Ấn Độ đang học theo con đường phát triển của Trung Quốc - dựa vào xuất khẩu và đầu tư, nhưng đi sau nước láng giềng tới 13 năm.



Ấn Độ ngày nay đã không còn được xem là một cỗ máy tăng trưởng, được kỳ vọng sẽ vượt mặt Trung Quốc để giữ vị trí dẫn đầu các thị trường mới nổi như vài năm trước đây. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy khoảng cách giữa hai nước gần hơn nếu xét đến việc Trung Quốc đã đi trước Ấn Độ 13 năm trong việc mở cửa nền kinh tế, cũng như nới lỏng các quy định về đầu tư và sản xuất. Về xuất khẩu, chi tiêu vốn và đầu tư nước ngoài, Ấn Độ khá giống Trung Quốc năm 2001.



Nền kinh tế Ấn Độ đang cho thấy những dấu hiệu khả quan sau 3 năm tăng trưởng kém và lạm phát ở mức cao. Điều đáng mừng là Ấn Độ đang đi đúng theo con đường phát triển của Trung Quốc, nhưng việc trì hoãn mở cửa cũng đồng nghĩa nước này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tạo ra sự bùng nổ như Trung Quốc.



Vì vậy, tân Thủ tướng Narendra Modi, đang ra sức nghiên cứu từng chính sách để đưa Ấn Độ theo đúng lộ trình thành công của Trung Quốc – dựa vào xuất khẩu và đầu tư. New Delhi đang đặt ra mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và tăng 50% đóng góp của Ấn Độ trong thương mại thế giới.



Thủ tướng Ấn Độ cũng cam kết xây dựng hệ thống tàu siêu tốc và các “thành phố thông minh”. Ông còn đang cho mở thêm nhiều “đặc khu kinh tế” để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế và tránh các thủ tục hành chính rườm rà.



Ông Modi nhận ra những chính sách định hướng và hỗ trợ của Nhà nước sẽ có ảnh hưởng vô cùng tích cực tới nền kinh tế. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ - Nirmala Sitharaman cho biết Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất để đưa những sản phẩm 'Made in India' thành một thương hiệu đáng tự hào.



Nhưng liệu rằng các chính sách này sẽ có hiệu quả lần 2? Trung Quốc bắt đầu lột xác năm 1978 khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách nông nghiệp và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Còn kinh tế Ấn Độ bắt đầu khởi sắc khi cuộc khủng hoảng ngoại hối năm 1991 buộc New Delhi gỡ bỏ kiểm soát sản xuất tư nhân và nhập khẩu để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế.



Nếu so sánh tình hình kinh tế trong cùng một khoảng thời gian sau khi cải cách của hai quốc gia này, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng. Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và chi phí cho trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… đều ở mức tương đương. GDP bình quân đầu người (đã điều chỉnh lạm phát) của Ấn Độ năm ngoái còn nhỉnh hơn một chút so với của Trung Quốc năm 2000.



Tuy nhiên, những sự khác biệt vẫn tồn tại. Kinh tế Trung Quốc năm 2001 nặng về sản xuất, trong khi Ấn Độ ngày nay lại dựa nhiều vào dịch vụ, như phần mềm hay là nơi outsource (thuê ngoài) cho các công ty khác. Bởi vậy, nếu muốn phát triển theo cách của Trung Quốc, Ấn Độ cần phải có những điều chỉnh nhất định để không chỉ là bắt chước nguyên xi nước láng giềng.



Họ nên nhớ sản xuất chi phí thấp giờ đây đã không còn là một canh bạc chắc thắng. “Động lực tăng trưởng của nhu cầu thế giới ngày nay đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các nền kinh tế trung bình, hơn là các nước giàu” - theo nhà kinh tế học Eswar Prasad, đại học Cornell.



Nói cách khác, Ấn Độ đang chậm chân so với các quốc gia đang phát triển khác. Bangladesh có thế mạnh về hàng may mặc, Philipines chuyên chế tạo đồ điện tử, còn Thái Lan và Việt Nam sản xuất máy móc, linh kiện máy tính.



Dù vậy, Saon Ray, nhà kinh tế học tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế quốc tế Ấn Độ, nhận định rằng Ấn Độ vẫn còn cơ hội phát triển những ngành công nghệ cao với lợi thế sẵn có như dược phẩm và thiết bị bán dẫn.



Một vấn đề nữa, theo Prasad, là Ấn Độ không thể đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hạ giá nội tệ. Không giống Trung Quốc và cá quốc gia châu Á khác, tài khoản vốn của Ấn Độ hiện tại tương đối mở và đồng rupee đang chuyển động theo xu hướng của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, dòng tiền từ chính sách nới lỏng của Mỹ - vốn đã thúc đẩy tăng trưởng của các nước mới nổi những năm gần đây – sắp chấm dứt.



Nhà kinh tế học Chetan Ahya từ Morgan Stanley nhấn mạnh rằng lợi thế kinh tế của Ấn Độ nằm ở cơ cấu dân số trẻ. Năm 2000, tuổi trung bình của Trung Quốc là 30, trong khi con số này của Ấn Độ hiện nay là 27. Giáo dục thế hệ trẻ và tạo ra việc làm phù hợp cho lao động chính là chìa khóa để phát triển kinh tế.



Tuy nhiên, xét về khía cạnh phát triển con người, Ấn Độ vẫn còn kém Trung Quốc khá nhiều. Tỷ lệ biết chữ của Ấn Độ năm 2011 thấp hơn của Trung Quốc năm 1993, số năm học trung bình ở trường của người dân Ấn Độ năm 2013 mới chỉ bằng Trung Quốc năm 1985. Trên phương diện các chỉ số về sức khỏe, vệ sinh và tuổi thọ, Ấn Độ cũng tụt hậu hàng thập kỷ so với Trung Quốc. Ahya cho rằng nếu không thay đổi, Ấn Độ sẽ khó trở thành cường quốc kinh tế với những nền tảng như vậy.



Hà Tường










Theo stockbiz.vn