Kinh tế tăng trưởng chậm chạp, chi phí kinh doanh tăng lên và các cuộc kiểm tra chống độc quyền nhằm vào công ty nước ngoài đang khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn.



Theo số liệu được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố tuần trước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này đã giảm gần 17% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số thấp nhất 2 năm. Còn tính chung 7 tháng đầu năm, số liệu này đạt 71,14 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4%.



Trong khi đó, thị trường chứng khoán nước này lại tăng điểm liên tục 6 tuần qua, dài nhất kể từ tháng 3/2012. Nửa đầu năm nay, đây còn là một trong những thị trường tệ nhất thế giới. Nhà đầu tư cảm thấy thu hút do chứng khoán tại đây rẻ (sau 4 năm liên tục đi xuống) và đồng NDT mất giá.



Giới chuyên gia nhận định FDI chững lại sẽ là một thách thức với Trung Quốc. Do đây là nguồn vốn thay thế vay ngân hàng hữu hiệu của các hãng sản xuất, mà vốn gián tiếp đổ vào chứng khoán cũng khó có thể bù lại được.



FDI đi xuống do sự sụt giảm rất mạnh nguồn đầu tư từ Nhật Bản, với 45% trong 7 tháng đầu năm. Theo sau là châu Âu với 17,5% và Mỹ với 17,4%. 'Có nhiều nơi khác tại châu Âu rõ ràng hấp dẫn các hãng sản xuất hơn là Trung Quốc', Matt Koon – Giám đốc Tư vấn tại Tractus Asia (Trung Quốc) cho biết.



Sau khi gia nhập WTO năm 2001, FDI vào nước này vẫn tăng đều qua các năm và đạt đỉnh 118 tỷ USD năm ngoái. Sản xuất là lĩnh vực thu hút chính.



Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dần dựa vào tiêu dùng trong nước của Bắc Kinh không chỉ thay đổi quy mô mà còn cả cơ cấu dòng vốn này. Trên thực tế, trong 7 tháng đầu năm, FDI vào sản xuất đã giảm, trong khi vào dịch vụ lại tăng.



Nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc đang dần mất sức hấp dẫn vì các lý do như giá nhân công tăng, chi phí nhiên liệu cao và giá mặt bằng sản xuất đắt đỏ. Bên cạnh đó, theo Reuters, suy giảm FDI năm nay còn trùng vào thời điểm nước này thực hiện chiến dịch điều tra các công ty nước ngoài về hối lộ, thao túng giá, độc quyền và kiểm soát chất lượng kém. Việc này đã khiến hàng loạt công ty ngoại chịu án phạt thời gian gần đây.



'Lập trường của giới chức Trung Quốc càng quyết liệt, các lãnh đạo nước ngoài sẽ càng tỏ ra ngần ngại. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ không khiến họ hoàn toàn mất hứng thú. Một số công ty có lợi nhuận khổng lồ đến mức sẵn sàng trả tiền phạt và tiếp tục công cuộc đào tiền tại đây', Arthur Kroeber - nhà kinh tế học tại Dragonomics cho biết



Hà Thu












Theo stockbiz.vn