Cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và EU thời gian qua khiến trục quay kinh tế thế giới biến đổi lớn. Thiệt hại chưa biết bên nào phải gánh thì nhiều nước lại âm thầm hưởng lợi, hoặc vô tình thành vật hi sinh.



'Ngư ông đắc lợi'




Khi nền kinh tế thế giới đang điên đảo trước lệnh cấm vận, đáp trả lẫn nhau giữa Nga và Mỹ - EU thì một số quốc gia lại 'cười thầm' vì vớ bẫm. Theo The Moscowtimes, lệnh cấm vận của Nga đối với nhiều loại thực phẩm của phương Tây lại là cơ hội lớn cho Brazil và các nước Mỹ La tinh.



Ông Seneri Paludo, thư kí chính sách nông nghiệp Brazil, khoe rằng hợp đồng nhập khẩu thịt các loại liên tục được kí kết kết giữa Nga và nước này. Là quốc gia xuất khẩu thịt gà, thịt bò và đậu nành hàng đầu thế giới, và cũng là quốc gia có sẵn nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, rõ ràng Brazil đang đắc lợi.



Lượng thịt bò xuất khẩu sang Nga 6 tháng đầu năm nay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mặt hàng xuất khẩu, còn số đậu nành xuất sang Nga là 352.849 triệu tấn. Con số này tiếp tục tăng nhanh. Các mặt hàng nông sản khác như đường, cà phê, nước cam và chuối cũng tăng chóng mặt so với cùng kì năm trước. Trong năm 2013, xuất khẩu nông sản sang Nga của Brazil trị giá 2,27 tỷ USD. Brazil sẽ cần một thỏa thuận song phương với Nga trong thời gian tới vì đây là quốc gia duy nhất làm tăng đáng kể lượng xuất khẩu của Brazil, khiến nền kinh tế nước này thật sự khởi sắc.



Thay vì nhập khẩu trái cây từ EU và Mỹ như trước, Nga còn hướng sang Chile. Năm 2013, Chile xuất khẩu sang Nga 643 triệu USD chủ yếu là thực phẩm chế biến, cá hồi và hoa quả. Theo ông Felipe Manterola, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp Silmon Chile, các công ty đang chuẩn bị để đáp ứng gia tăng nhu cầu thị trường tiêu dùng, đặc biệt là ở Nga.



Cùng với đó, các nước Mỹ la tinh cũng làm mọi cách tăng sản lượng ngô và đậu để bán cho người tiêu dùng xứ Bạch Dương. Nga cũng đã gặp gỡ nhiều đại sứ quán Mỹ La tinh để thảo luận thêm về khả năng tìm kiếm ác nhà cung cấp thực phẩm. Tất cả đã thay đổi từ khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và một số mặt hàng từ Liên minh châu Âu.



Một quốc gia khác cũng được hưởng lợi là Trung Quốc. Đây là cơ hội mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và xây dựng cơ sở hạ tầng. Quốc gia này cũng đang xúc tiến xuất khẩu rau và trái cây cho Nga. Công ty Barong, Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư 9,7 triệu USD, xây dựng siêu thị bán sỉ rộng 70.000 m2 và kho chứa 30.000 m2 với trang thiết bị hiện đại gần biên giới Viễn Đông với Nga.



Các công ty dầu khí Trung Quốc cũng 'nẫng tay trên' những bản hợp đồng dầu khí lớn từ Mỹ khi các công ty này bị cấm tham gia vào thị trường dầu mỏ có trữ lượng 8,2 nghìn tỷ USD của Nga. Theo hãng tin Ria Novosti, Nga - Trung đã kí bản hợp đồng mua bán các gói khí đốt trị giá khoảng 400 tỷ USD trong vòng 30 năm.



Về tài chính, Bắc Kinh có cơ hội đẩy mạnh hợp tác với Moscow trong bối cảnh các ngân hàng phương Tây bị ra rìa. Nhiều nhà băng ở Hongkong sẵn sàng phục vụ các 'Thượng đế' Nga nếu họ bị các ngân hàng Mỹ từ chối. Nhu cầu lớn bất ngờ của Nga đối với đồng đôla Hong Kong (HKD) đã đem lại thuận lợi cho phía Hong Kong. Theo tạp chí Wall Street, từ tháng 7/2014, chính quyền Hong Kong đã chi tới 8,4 tỷ USD để đảm bảo tỷ giá ổn định. Chính sách này của Hong Kong giờ được củng cố nhờ sức mua mạnh đồng tiền HKD từ Nga.



Chuyên gia Smolyaninov nhận xét, các quốc gia đang cạnh tranh với Nga về nguồn vốn ngoại tệ cũng được hưởng lợi khi các nhà đầu tư chuyển hướng sử dụng đồng tiền của họ khỏi thị trường Nga. Nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Belarus... cũng lợi lớn trong bối cảnh hiện nay.



'Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết'



Song, ngược lại, một số quốc gia châu Âu lại đang sống dở chết dở vì mối bất hòa giữa Nga và phương Tây - Mỹ. Một số quốc gia châu Âu lên tiếng sẽ kiện EU nếu nền kinh tế của những nước này bị ảnh hưởng, khiến cuộc sống của người dân gặp khó. Phần Lan cũng lập luận rằng, EU nên xem xét bồi thường thiệt hại cho các thành viên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận.



Năm 2013, hãng sữa Valio, Phần Lan đã xuất khẩu trị giá 300 triệu EUR sản phẩm sữa sang Nga nhưng năm nay, hãng đã phải ngừng sản xuất dây chuyền do thị phần giảm mạnh. Nga chiếm 10% lượng hàng hóa xuất khẩu của Phần Lan, do đó các chuyên gia cảnh báo nền kinh tế nước này có thể đương đầu với nền khủng hoảng mới.



Nga vốn là quốc gia nhập khẩu trái cây và rau quả lớn nhất của EU. Theo công ty đầu tư IHS, mỗi năm giá trị xuất khẩu của EU vào Nga lên đến 2 tỷ EUR. Năm 2013, Bỉ xuất sang Nga 490 triệu EUR, còn Hà Lan xuất khẩu sang 600 triệu EUR.



Tại Ba Lan, các nhân vật nổi tiếng trong nước đã phát động một chiến dịch 'ăn táo, uống rượu táo' để giảm thiểu khó khăn cho nền kinh tế khi gần 700.000 tấn táo, chiếm 50% tổng sản lượng - bị cấm xuất khẩu sang Nga, thiệt hại có thể lên đến 500 triệu USD. Ba Lan cũng phải lên tiếng yêu cầu Mỹ giúp tiêu thụ lượng táo của họ từ tháng 8 này. Ngoài ra, một số công ty của Na Uy có nguy cơ bị phá sản, trong khi trước đây nước này xuất khẩu sang Nga 1 tỷ USD cá hồi mỗi năm.



Hy Lạp cũng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề khi sự mất giá gần đây của đồng rup Nga giữa hàng loạt lệnh trừng phạt. Tình hình tại Ukraina có thể khiến Hy Lạp mất thêm 200.000 du khách từ nước này và 50% lượng du khách từ Ukraina trong năm nay, tổng thiệt hại có thể lên đến 300 triệu euro.










Theo stockbiz.vn