Cùng những lời cảnh báo, nước Nga đã có những biện pháp đầu tiên đáp trả Âu - Mỹ. Tuy mới chỉ là những đáp trả nhẹ nhàng nhưng các nước EU đã lo ngại khi nguy cơ trừng phạt mạnh mẽ nhất đang ở phía trước. Nỗi lo lớn nhất là nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt, dìm châu Âu trong lạnh cóng khi mùa đông đang đến.



Nói khẽ, làm ngay



Sau khi lệnh cho Chính phủ Nga đưa ra các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, ngày 6/8, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu trong vòng một năm toàn bộ mọi mặt hàng nông sản của Mỹ cũng như toàn bộ trái cây và rau quả từ 28 nước EU.



Danh sách các mặt hàng bị cấm sẽ được công bố trong ngày 7/8 và được cho là 'khá đáng kể'. Riêng với Mỹ, toàn bộ thực phẩm đang được sản xuất tại nước này và cung cấp cho thị trường Nga sẽ bị cấm.



Lệnh cấm nhập khẩu đối với thực phẩm và hàng nông sản từ Mỹ và châu Âu là đòn trả đũa đầu tiên của Nga đánh dấu sự leo thang đáng ngại của cuộc chiến thương mại, trừng phạt lẫn nhau theo kiểu 'ăn miếng trả miếng' giữa Nga và phương Tây.



Trước diễn biến mới, đại diện EU cho rằng: 'không đang ngại'. Mặc dù vậy, thực tế không phải tất cả các nước đều nói như vậy và cũng không hẳn thực tế sẽ giống như lời nói.



Trước đó, khi ông Putin chưa ký sắc lệnh trừng phạt Mỹ và EU, Ba Lan là nước đã bị Nga cấm nhập khẩu với các mặt hàng rau quả (từ 1/8) và nước này đã tỏ ra rất lo ngại, kêu gọi EU giúp đỡ khắc phục hậu quả có thể lên đến 500 triệu euro đối với khu vực trồng rau quả nước này.



Cho đến trước khi có lệnh cấm, Nga là nhà nhập khẩu rau quả lớn nhất của EU với kim ngạch chiếm 20-30% xuất khẩu của EU. Trong khi đó, Nga là nước nhập khẩu thịt gà lớn thứ 2 của Mỹ.



Các DN nông nghiệp EU cũng bày tỏ sự quan ngại cho rằng đòn trừng phạt có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho họ.



Một số dự báo cho thấy, tác động ngược của các đòn trừng phạt của EU lên Nga và giờ đây là của Nga lên EU có thể khiến mỗi bên mất hàng tỷ euro trong năm nay và năm tới.



Hiện nay, một số nước thậm chí phụ thuộc 20-30% xuất khẩu vào thị trường nước Nga. Và đây là lý do khiến họ e ngại những diễn biến mới có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế thứ 2 khi mà nhiều nước EU còn chưa kịp hồi phục sau cú sốc lần thứ nhất bắt nguồn từ Hy Lạp.



Trong sắc lệnh trừng phạt Mỹ và EU, Tổng thống Mỹ Nga Putin cũng đã yêu cầu Chính phủ áp dụng song song các biện pháp với các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước để tăng số lượng mặt hàng nông sản được sản xuất trong nước và tìm nguồn cung mới từ Nam Mỹ, Châu Á...



Nguy cơ còn ở phía trước



Theo đánh giá của báo chí Nga, các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng chủ yếu tới người tiêu dùng cao cấp, còn người tiêu dùng phổ thông không bị ảnh hưởng nhiều. Nga cần một thời gian ngắn, khoảng 1-2 tháng để thay thế các nhà cung cấp mới và sự tăng giá nếu có chỉ xảy ra trong ngắn hạn.



Tuy nhiên, điều mà các nước EU và giới đầu tư lo ngại là những đòn trừng phạt nặng nề hơn đang chờ ở phía trước. Trước đó, Nga thậm chí còn phát đi tín hiệu cho biết có thể áp đặt hạn chế hoặc một lệnh cấm nhằm vào những hãng hàng không EU đang khai thác các đường bay qua khu vực Siberia rộng lớn. Cũng không ít lần, Nga cảnh báo về khả năng giá khí đốt và dầu tại EU sẽ tăng trong trường hợp các nhà cung cấp của Nga bị ảnh hưởng.



Như vậy, các đòn trừng phạt đang leo thang theo kiểu ăn miếng trả miếng, từ việc nhắm tới một số cá nhân, một số quan chức và tổ chức cho tới nhắm vào một số lĩnh vực nhất định. Thương mại EU-Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.



Cuộc chiến có lẽ chưa dừng ở đó khi mà Tổng thống Mỹ Obama gây sức ép ngày càng mạnh lên EU để trừng phạt Nga trong khi đó, ở bên kia, ông Putin quá quyết liệt.



Lường trước căng thẳng sẽ leo thang, phía Nga đã tính tới hàng loạt các nhân tố khác ngoài nông sản, thực phẩm như: khí đốt, tài chính và cả lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Âu sang Á.



Nga cũng đã tính tới các biện pháp tăng cường hợp tác với châu Á và Mỹ Latin. Hai chuyến đi nổi bật sang Trung Quốc với gói hợp tác năng lượng trị giá hàng trăm tỷ USD và chuyến thăm Mỹ Latin trong đó có 'hàng xóm của Mỹ là Cuba dài ngày nhất hồi giữa tháng 7 cho thấy điều này. Bên cạnh đó, Nga cũng tính tới phương án thâm nhập thị trường vốn châu Á và nguồn thu thuế tăng cường ở trong nước.



Điều đáng sợ mà 'người trong cuộc' - EU có lẽ không mong muốn chính là những đòn trả đũa bằng 'vũ khi' dầu mỏ, khí đốt của Nga khi mùa đông đáng tới.



Sự việc người dân Kiev không có nước nóng sử dụng cho tới giữa tháng 10 tới, do Nga ngừng cấp khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện tại Ukraine sau khi nước này từ chối mua khí đốt giá cao do Nga chính là sự ám ảnh đối với EU.



Trong cuộc chiến thương mại này, EU và Nga có lẽ là những bên thiệt hại nhất. Đây dường như là lý do khiến một số nước EU vẫn khá thận trọng trong các quyết định trừng phạt của mình. Nhiều doanh nghiệp lớn phương Tây vẫn tỏ thái độ phản ứng với các lệnh trừng phạt đối với Nga, đối với một số doanh nghiệp tài chính, năng lượng, quốc phòng lớn của Nga. Trong lệnh trừng phạt mới nhất mà EU áp lên Nga, nhiều lĩnh vực quan trọng đã bị loại ra do các nước EU đều muốn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.



VĂN MINH










Theo stockbiz.vn

View more random threads: