Giá dầu thế giới liên tục lao dốc từ đầu tháng 12, hiện về sát 35 USD một thùng, giảm 33% từ đầu năm. Đây cũng là mức thấp nhất của dầu thô thế giới hơn 10 năm nay. Trước những diễn biến khó lường của giá năng lượng, ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra các kịch bản kinh tế khi giá dầu giảm về ngưỡng 30, 40 và 50 USD một thùng.



"Việc giá dầu thế giới giảm có tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam. Một mặt, nguồn thu từ dầu mỏ giảm do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô. Nhưng mặt khác, do cũng nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước nên giá dầu giảm cũng giúp cho Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước giảm giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất", cơ quan này nhận định.



Cụ thể, ở kịch bản giá dầu về mức thấp kỷ lục 30 USD một thùng, trung tâm này cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ giảm 1,36% so với cùng kỳ năm trước, chung cảnh ngộ với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Na Uy, Trung Đông, châu Phi. Lạm phát âm gần 4% do dầu là yếu tố đầu vào sản xuất nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, cán cân thương mại được hỗ trợ lớn khi kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 1,52% do kinh tế của các quốc gia là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam được cải thiện, chi phí nhập khẩu giảm 1,84%.



Tác động của việc giá dầu giảm về 30 USD một thùng tới kinh tế vĩ mô Việt Nam năm sau so với năm trước (Đơn vị: điểm %)







Tốc độ tăng trưởng


Xuất khẩu

Nhập khẩu

Tỷ giá thực

Lạm phát



2016

-1,36

1,52

-1,84

4,04

-3,95



2017

1,41

2,12

2,09

5,21

1,61



2018

0,59

1,07

1,66

5,88

0,4



2019

0,67

1,09

1,94

6

0,77



2020

0,63

0,76

1,94

5,45

0,98




Nguồn: tính toán của nhóm nghiên cứu Ban kinh tế thế giới (NCEIF)



Nếu giá dầu xuống mức 40 USD, so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng kinh tế năm tới giảm 0,85% trong năm 2016. Cú sốc này cũng khiến kinh tế Việt Nam đối mặt với giảm phát (lạm phát âm 2,52%), xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm.



Với kịch bản 50 USD, tăng trưởng kinh tế giảm 0,42% trong năm tới, lạm phát giảm 1,11%.



Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, khi tăng trưởng thế giới hồi phục, nền kinh tế Việt Nam cũng hồi phục dần ở ba kịch bản. Giá dầu giảm cũng tác động lên tỷ giá hối đoái đa phương, được nhóm nghiên cứu dự báo tăng thấp nhất 1,26% và cao nhất là 6% khi đồng USD mạnh lên.



Từ việc đánh giá tác động của ba kịch bản giá dầu trên tới kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới khuyến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu và chính sách của các nước đối tác kinh tế lớn để điều chỉnh tỷ giá hợp lý, có những biện pháp bổ trợ như nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, giảm giá xăng dầu để thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng và cải cách hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động của giá dầu thế giới giảm.



Đồng thời, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó chú trọng đến khu vực kinh tế thực và cải cách thể chế một cách sâu rộng để tạo môi trường, tiền đề tốt cho nền kinh tế cất cánh.



Trước việc giá dầu thô liên tiếp sụt giảm, trả lời trên VTV tối 13/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định đây là điều đã được cơ quan quản lý dự liệu. "Chúng tôi đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 60, 50, 45 USD mỗi thùng mà trường hợp 40, 35 thậm chí 30 USD một thùng cũng đã được tính toán", ông nói.



Ông cũng cho biết giá dầu giảm sẽ khiến tiết kiệm được chi phí nhập khẩu xăng dầu. Dự kiến năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 12,5-13 triệu tấn xăng dầu, và nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 36 USD thì sẽ tiết kiệm được 2-2,1 tỷ USD.





Huyền Thư










Theo stockbiz.vn