Hiệp định TPP đang chờ các quốc gia chính thức thông qua. Với những yêu cầu tiêu chuẩn cao, TPP dự kiến sẽ là hình mẫu cho hiệp định tự do thương mại tương lai, tác động sâu rộng tới hoạt động kinh doanh của DN, trong đó có ngành sản xuất kinh doanh bánh kẹo.



PV Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Cường – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn NDH về vấn đề nêu trên.



Thưa ông, TPP đang được các quốc gia xem xét thông qua và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Khi có hiệu lực thì TPP có tác động như thế nào tới các ngành sản xuất kinh doanh của Việt Nam?



Để biết được TPP tác động thế nào chúng ta cần xem xét cam kết của Việt Nam với đối tác và ngược lại. Trước hết là cam kết của Việt Nam với các bên. Theo đó, 65,8% sản phẩm đang chịu thuế nhập khẩu sẽ được loại bỏ ngay khi có hiệu lực, sau đó 4 năm con số này tăng lên 85.5%và 11 năm sau đó là 97.8%. Số còn lại sẽ được loại bỏ trong 16 năm.



Sản phẩm nhạy cảm như được sử dụng xe ô tô cũ và sẽ được áp dụng một hệ thống hạn ngạch thuế quan (TRQ). Lưu ý rằng Việt Nam được coi là quốc gia có hàng rào thuế cao nhất trong TPP, với thuế suất áp dụng là 9,5% trên trung bình (tiếp theo là Malaysia 6,1%).



Còn cam kết của các đối tác với Việt Nam là 78-95% ngành chịu thuế sẽ được loại bỏ ngay khi có hiệu lực. Các ngành khác sẽ được loại bỏ sau 5-10 năm, hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.



Các ngành được loại bỏ thuế sớm (từ 0-5 năm) bao gồm:sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, một số sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện, điện tử, cao su,..



Cụ thể một số ngành chịu ảnh hưởng ngay lập tức gồm:động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, gạo, ngũ cốc, da và các sản phẩm làm từ da, cao su và sản phẩm cao su, một số sản phẩm dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, một số sản phẩm giấy, khoáng sản, dệt may và nguyên liệu may mặc thô, vải bông, may mặc , phân bón, mỹ phẩm, máy móc, đồ gỗ, sản phẩm thép, và các bộ phận phụ tùng điện tử.



Các lĩnh vực khác thời gian dài hơn như bánh kẹo, trà, cà phê, bắp, đồng hồ, vật liệu xây dựng, sữa, nhựa và các sản phẩm, và thiết bị điện tử là 4 năm, tiếp đến là dầu ăn, rau chế biến, và một số sản phẩm cao su là 6 năm, 8 năm dành cho lĩnh vực phụ tùng xe đạp, xe máy, ô tô, rau, và thép. Từ 10-11 năm đối với rượu, thịt, đường, bia, trứng, muối, sản phẩm dầu mỏ, lốp xe ô tô, và phôi thép.



Cụ thể đối với lĩnh vực bánh kẹo như thế nào, thưa ông?



Theo Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VTIC), 7 tháng đầu năm 2014 Việt Nam nhập khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc chủ yếu từ các nước thuộc thị trường châu Á, chiếm 86,5% thị phần, với kim ngạch đạt khoảng 92,6 triệu USD.



Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Indonesia chiếm thị phần lớn (30,3%), tương đương với 32,4 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Kế đến là Thái Lan 22,8 triệu USD, tăng 26,99%. Duy chỉ có nhập khẩu từ thị trường Malaysia là giảm kim ngạch, giảm 4,8%, với 12,5 triệu USD.



Ngoài 3 thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu từ các thị trường khác như: Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc với kim ngạch lần lượt đạt 10,7 triệu USD; 5,7 triệu USD và 4,3 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng dương, tăng lần lượt 3,66%; 8,45% và tăng 0,09%.



Như vậy, nhìn toàn cảnh, TPP sẽ không có ảnh hưởng lớn lắm tới các công ty bánh kẹo ngoại đang ở Việt Nam do phần lớn các công ty này đều được hưởng thuế suất 0% do nằm trong khối ASEAN.Do đó, các công ty bánh kẹo quốc tế phần nhiều đã lập cơ sở sản xuất ở các nước trong khối ASEAN để bán vào trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.



Ảnh hưởng lớn nhất sẽ đến từ các mặt hàng bánh kẹo từ Mỹ, Nhật, vốn bị đánh thuế khá cao.Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, sẽ có thời gian 04 năm kể từ lúc TPP có hiệu lực, để chuẩn bị cho dòng sản phẩm nhập trực tiếp này.



Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn tác động tới doanh nghiệp bánh kẹo, ví dụ như Bibica (mã CK BBC) chẳng hạn?



Như nói ở trên, tác động trực tiếp nhất là giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xuất xứ từ các nước tham gia hiệp định. Tuy nhiên, bánh kẹo là sản phẩm đầu cuối, các cam kết còn có tác động tới giá nguyên liệu đầu vào.



Về nguyên vật liệu đầu vào thì khá tùy thuộc vào tình huống các doanh nghiệp cụ thể. Tôi lấy ví dụ về về một nhóm các nguyên vật liệu của Bibica được nhập từ các nước trong khu vực TPP:







Nguyên liệu



Xuất xứ



Giá trị hàng năm



Thuế hiện tại



Thuế sắp tới





Sữa



New Zealand



25 tỷ



5-10%



0% (2016)





Shortening



VN + Malaysia



21 tỷ



5%



0% (2016)





Bột mỳ



Nhập khẩu



25 tỷ



5%



0% (2019)





Đường



VN



50 tỷ



Quota



Chưa xác định







Nguồn: Công ty CP Bibica



Theo cam kết thì sữa dường như sẽ là mặt hàng được hưởng lợi trước tiên khi mức thuế từ khoảng 5% về còn 0%. Mặc dù shortening cũng là mặt hàng được hưởng lợi ngay lập tức nếu TPP được ký nhưng tỷ trọng nhập khẩu của sản phẩm này so với mua trong nước là không nhiều.



Với bột mỳ phải nhập khẩu thì nhóm doanh nghiệp kiểu như Bibica không mua trực tiếp mà vẫn phải qua trung gian nên chi phí cho bột mỳ cũng sẽ khôngđược hưởng lợi hoàn toàn5%, vì phía trung gian thương mại vẫn phần nào điều phối giá lúa mỳ nhập vào Việt Nam và bán cho các đơn vị sử dụng trong nước.



Đường là nguyên liệu chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí của Bibica. Hiện Bibica đang có quota để nhập đường giá rẻ hơn so với giá trong nước nên chi phí vốntrung bình có thểtốt hơn nhiều công ty bánh kẹo kháctrong nước không xin được quota.



Nếu giá đường kính Việt Nam ngang bằng với giá đường quốc tế thì khả năng cạnh tranh với bánh kẹo nhập khẩu và tăng trưởng hàng xuất khẩu của các công ty bánh kẹo Việt Nam như Bibica sẽ có nhiều lợi thế về giá vốn.



Do 02 thị trường xuất khẩu bánh kẹo chính của Việt Nam là Campuchia và Trung Quốc (không có trong TPP) nên không được hưởng lợi khi thuế ở các nước trong TPP giảm. Ngược lại, thuế suất nhập khẩu bánh kẹo về 0% thì ngành bánh kẹo sẽ chịu thiệt hại vì giá vốn cao và phải cạnh tranh với các sản phẩm từ Nhật, Malay, Mỹ.



Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cũng ko tăng thêm ngay lập tức so với hiện tại, vì các nước TPP trong vùng ASEAN sẽ vẫn được hưởng lợi như hiện tại và vẫn đang cạnh tranh chính với Bibica Vietnam.Ngoài ra, nhiều công ty quốc tế đã lựa chọn “đi vòng” qua các nước ASEAN chứ không đợi bốn năm chờ TPP.



Ngoài ra, không phải TPP không đem lợi thế cạnh tranh cho nhóm các doanh nghiệp giống Bibica. Cụ thể, TPP nhấn mạnh sở hữu trí tuệ và thương hiệu. Sản phẩm hàng hóa cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn thực phẩm. Điều này sẽ nâng tiêu chuẩn của ngành bánh kẹo và nâng tầm hiểu biết của người tiêu dùng. Theo lẽ đó, thế các doanh nghiệp sản xuất chất lượng cao, kinh doanh bài bản sẽ nằm ở vị thế an toàn hơn và có ưu thế hơn các doanh nghiệp nội khác làm ăn kém bài bản.



Thanh Hải










Theo stockbiz.vn