Cơ quan điều hành kỳ vọng phương thức điều hành tỷ giá linh hoạt theo ngày, có thể áp dụng từ đầu năm 2016, sẽ giúp giá ngoại tệ theo sát thị trường, giảm đầu cơ.



Từ đầu năm 2016, tỷ giá bình quân liên ngân hàng dự kiến được điều hành theo phương thức mới, không cố định trong một thời gian mà có thể "trườn bò, lên xuống" liên tục theo ngày. Thông tin này được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề cập nhiều trong các buổi làm việc chính thức gần đây.



Tại cuộc họp báo cuối năm, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng hé lộ: "Tỷ giá năm 2016 sẽ được điều hành theo cơ chế mới linh hoạt hơn". Sau đó, tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng sáng 27/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ với lãnh đạo các ngân hàng thương mại về khả năng năm 2016, tỷ giá sẽ được điều hành theo cơ chế, chính sách mới. Thay vì được ghìm chặt trong một thời gian dài như trước, công cụ này sẽ được điều chỉnh lên xuống theo ngày để sát với thị trường và tránh đầu cơ.



Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có buổi tọa đàm, trao đổi với các chuyên gia kinh tế về cách thức điều hành tỷ giá mới, linh hoạt hơn trên cơ sở tham chiếu cung cầu ngoại tệ và diễn biến tỷ giá trong và ngoài nước. Thông điệp được phát đi hướng tới việc đưa tỷ giá ngoại tệ bám sát thị trường, giảm kỳ vọng găm giữ, đầu cơ trong nền kinh tế.



Theo cách thức được giới thiệu tải buổi trao đổi, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ tham chiếu theo tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (theo trọng số giao dịch), cho phép công cụ này biến động tăng hoặc giảm theo diễn biến thực tế. Tuy nhiên, sự biến động này sẽ nằm trong phạm vi hẹp, đảm bảo sự ổn định, không biến động mạnh như cách làm của một số nước.



Bên cạnh yếu tố trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng còn tham chiếu theo biến động của đồng USD với các đồng tiền khác trên thị trường quốc tế, vốn có nhiều tác động lên diễn biến tâm lý trên thị trường Việt Nam thời gian qua. Theo một số chuyên gia, việc kết hợp diễn biến trong và ngoài nước nêu trên có thể giúp tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn tình hình cung - cầu trên thị trường, hỗ trợ quá trình hội nhập sâu của nền kinh tế.



Cũng tại buổi tọa đàm, Ngân hàng Nhà nước cũng hé lộ kế hoạch thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa cơ quan này với các ngân hàng thương mại, giúp đa dạng hoá công cụ điều hành, đảm bảo cung - cầu ngoại tệ, cũng như hỗ trợ sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ.



Trao đổi với VnExpress về những nội dung nêu trên, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Khoa quản trị Kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP HCM) cũng đánh giá, cơ chế điều hành tỷ giá nêu trên sẽ phù hợp với các điều kiện của Việt Nam hiện nay, nhất là việc đề cao tính thị trường, linh hoạt và chủ động hơn với các biến động trong và ngoài nước. "Việc tỷ giá bình quân liên ngân hàng thay đổi liên tục theo ngày, có lên, có xuống thay vì neo cố định trong thời gian dài sẽ khiến tâm lý đầu cơ, găm giữ USD giảm đi", ông nói.



Điều hành tỷ giá linh hoạt hơn được xem là bước đi tiếp theo những động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, ban hành Thông tư 15 khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn, giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 0% với cả tổ chức kinh tế và khu vực dân cư, cũng như khả năng tính phí đối với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ vào thời điểm thích hợp... nhằm hỗ trợ cho chủ trương chống đôla hóa trong nền kinh tế.





Thanh Lê










Theo stockbiz.vn