Năm 2015 đánh dấu sự đổ bộ của rất nhiều “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.



Sức hút lớn từ nông nghiệp



Trong năm 2015, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn tìm cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hòa Phát, Him Lam… Ông Hoành Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) - chia sẻ, thời gian qua, nhiều DN đã đăng ký đầu tư vào ngành chăn nuôi với số vốn cam kết lớn, có DN cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bò thịt và bò sữa, thức ăn chăn nuôi.



Còn theo ông Dương Minh Ngọc- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, dư địa phát triển của ngành chăn nuôi trong nước vẫn có thể kéo dài trong 10 năm nữa. Bằng chứng là trong năm 2015, riêng các tập đoàn nước ngoài đã đầu tư trên 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Công ty Hùng Vương cũng đầu tư mạnh vào chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Tháng 10/2015, Hùng Vương đã công bố kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ đồng vào chăn nuôi heo với mục tiêu sẽ tung sản phẩm thịt heo ra thị trường vào quý 3/2016.



Tiến công vào thị trường thức ăn chăn nuôi, tháng 2/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Hòa Phát hiện được xây dựng với công suất khoảng 300.000 tấn/năm, dự kiến đến quý 1/2016 sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.



Đó là trong lĩnh vực chăn nuôi, còn về trồng trọt, bằng việc công bố thông tin thành lập Công ty VinEco - chuyên về sản xuất nông nghiệp vào tháng 3/2015, Tập đoàn Vingroup đã chính thức bước chân vào nông nghiệp với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu của tập đoàn này là sản xuất các loại rau, củ, quả, sạch phục vụ tiêu dùng trong nước.



Không chỉ có các dn, các ngân hàng cũng bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. Tại Hội nghị Phát triển ngành công nghiệp bò và sữa diễn ra đầu tháng 11/2015, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho biết, trong ngắn hạn, BIDV sẽ chi tới 25.000 tỷ đồng để cho vay các dự án nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Trong dài hạn, số tiền mà BIDV dành cho lĩnh vực nông nghiệp này lên tới 80.000 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi bò, ngân hàng đã xây dựng và ban hành gói tín dụng tài trợ các dự án bò thịt, bò sữa và áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các DN đầu tư triển khai dự án bò thịt, bò sữa ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng...



Với việc các “đại gia” đổ tiền vào nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tin vui đối với hàng triệu nông dân Việt Nam. Bởi, khi có nguồn vốn “tiếp sức” từ các ông chủ lớn, các sản phẩm nông sản của bà con nông dân sẽ được nâng cao về giá trị, chất lượng và không còn phải đối diện với nỗi lo sản phẩm bị ép giá hay cảnh được mùa mất giá như trước đây. Bên cạnh đó, đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế cho nhiều vùng, địa phương.



Đầu tư vào công nghệ cao, hướng đến phát triển bền vững



Chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, nhiều DN xác định đầu tư theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cho biết: Làm nông nghiệp muốn đạt năng suất cao phải ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa toàn bộ. Hoàng Anh Gia Lai ứng dụng công nghệ cao từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Điều này giúp chi phí giá thành giảm xuống mức thấp nhất.



Đây cũng là hướng đi của Vingroup khi đầu tư vào nông nghiệp. Phương pháp sản xuất trong nhà kính tại Vĩnh Phúc với hệ thống tưới tiêu- dinh dưỡng thông minh cùng hệ thống điều khiển khí hậu hợp lý được tự động hóa giúp VinEco kiểm soát toàn bộ các yếu tố tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Hay dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Quảng Ninh, tổng giá trị đầu tư 650 tỷ đồng hướng tới mục tiêu hình thành khu sản xuất nông nghiệp rau, củ, quả sử dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap.



Nói về hướng đi này của các doanh nghiệp, GS. TS Võ Tòng Xuân khẳng định: nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp tạo ra sản phẩm năng suất hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn và rẻ hơn, tăng được năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Việc DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu dùng.



Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng thu hút vốn đầu tư để tái cơ cấu toàn diện. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực có nhiều lợi thế và tiềm năng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn nữa các DN đầu tàu này vào lĩnh vực được đánh giá là rất nhiều rủi ro, nhà nước cần tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, thuế… cho các doanh nghiệp.



Tiến sỹ Đặng Kim Sơn- Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn- đưa ra ba giải pháp: Thứ nhất, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông. Thứ hai, cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây… Thứ ba, giảm tối đa các phí, thuế có liên quan cho DN đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.





Nguyễn Hạnh










Theo stockbiz.vn