Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ký kết hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu tháng 2/2016.



Thông tin trên được người đứng đầu Chính phủ thông báo tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương ngày 31/12. Trước đó, Việt Nam và 11 quốc gia khác đã hoàn tất quá trình đàm phán vào ngày 5/10 và bước vào quá trình rà soát pháp lý tại mỗi nước, trước khi tổ chức ký kết với thời gian dự kiến không muộn hơn quý I/2016.



Tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng cho rằng năm qua, một trong những điểm sáng của Việt Nam mà ngành Công Thương đã góp công lớn là vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Nổi bật trong số này là kết thúc đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).



Tuy nhiên. Thủ tướng lưu ý rằng việc tận dụng cơ hội mở rộng thị trường để nâng cao xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế và điều này đã được Chính phủ kiểm điểm trong báo cáo tổng kết điều hành. “Do vậy, phải tuyên truyền các cơ hội, thuận lợi và cả khó khăn khi tham gia các hiệp định này để người dân, doanh nghiệp nắm được. Người dân và doanh nghiệp Việt Nam một khi nắm rõ thì với tin thần sáng tạo sẽ tham gia, hợp tác thành công”, Thủ tướng nói.



TPP được lãnh đạo các nước tham gia tuyên bố kết thúc đàm phán hồi đầu tháng 10 sau hơn 5 năm thương lượng. Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.



Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp...



Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.



Chí Hiếu










Theo stockbiz.vn