Mới đây, Franklin Templeton Investments vừa có một báo cáo về triển vọng 2016 thị trường cận biên. Dưới đây là nhận định của quỹ đầu tư này với triển vọng của Việt Nam.



BizLIVE trích dẫn lại nhận định của Franklin Templeton Investments:



Gần một thập kỷ trước, chúng tôi đã phát hiện ra cơ hội đầu tư tuyệt vời tại một trong số các nền kinh tế cận biên, Việt Nam. Vào thời điểm đó, nền kinh tế này vẫn đang trong tình trạng khá "nguyên sơ", gần như chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào bằng tiếng Anh về các doanh nghiệp Việt.



So với các nền kinh tế khác trong khu vực lúc đó, dường như Việt Nam đang bị "bỏ quên" bởi có rất ít các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang hoạt động tại đó.



Chúng tôi đã dành nhiều thời gian đi khắp đất nước, gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương và tìm hiểu về môi trường kinh doanh cũng như môi trường chính trị trước khi quyết định mở một văn phòng đại diện ở đó.



Chúng tôi nhận thấy con người ở đây rất có đầu óc kinh doanh.



Chúng tôi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008, khi nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với rất nhiều thử thách, bao gồm cả vấn đề thâm hụt ngân sách vốn đã là "căn bệnh kinh niên".



Khi nghiên cứu kỹ về môi trường đầu tư tại đây, chúng tôi nhận thấy lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng một cách chóng mặt, các công ty đa quốc gia đua nhau tới đây để mở nhà máy, tạo công an việc làm cho hàng chục ngàn người. Chúng tôi cho rằng, sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ tới Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, chất lượng cao ở đây.



Bên cạnh đó, rất nhiều các chủ doanh nghiệp chúng tôi từng có cơ hội nói chuyện đều cho rằng, việc kinh doanh tại Việt Nam khá dễ dàng so với một số quốc gia khác trong khu vực. Theo Báo cáo khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2016 của World Bank, Việt Nam đứng thứ 90 trong số 189 nền kinh tế khảo sát, một sự cải thiện đáng kể so với vị trí 99 trong năm 2013.



Việt Nam có rất nhiều điểm tích cực. Tăng trưởng GDP cao, đạt khoảng 6,5% trong năm 2015. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều cảng biển và sở hữu một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất hành tinh, với khả năng tiếp cận với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, Trung Quốc.



Việt Nam cũng đang dần xây dựng được thị trường xuất khẩu, và cũng có một thị trường tiêu dùng nội địa lớn.



Ngoài Hiệp định Thương mại tự do ký kết với Liên minh châu Âu, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể sẽ còn được hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam có ngành khai thác thủy hải sản khá sôi động nhưng chưa được phát triển đúng mức, tuy nhiên, sau khi TPP đi vào thực tiễn, tiềm năng xuất khẩu là rất lớn.



Mặc dù vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang còn vướng nhiều tranh luận, chúng tôi vẫn cho rằng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong những năm tới.



LINH LINH / Theo Franklin Templeton Investments










Theo stockbiz.vn

View more random threads: