Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, gây ra những xáo trộn cho nền kinh tế và các thị trường trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khiến các nhà đầu tư phải tìm cách giảm thiểu mọi tác động có thể.



"Cuốn theo chiều gió" Trung Quốc



Đầu năm 2016 đã chứng kiến sự giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc mà châm ngòi cho tình trạng bán tháo trên thị trường nước này là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc giảm xuống còn 48,2 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất nước này tiếp tục suy giảm trong tháng thứ 10 liên tiếp.



Chỉ số chứng khoán chủ chốt Shanghai Composite Index ngày 13/1 đã rớt khỏi ngưỡng 3.000 điểm và có lúc xuống tận mức 2.899,58 điểm, thấp hơn cả mức đáy 2.927,29 điểm ghi nhận vào tháng 8/2015 khi đợt bán tháo hồi đó đã quét bay 5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường và khiến chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.



Sau khi hồi phục trong quý IV/2015, thị trường cổ phiếu Trung Quốc lại giảm trở lại, và chỉ số Shanghai Composite Indexlại mất khoảng gần 20% kể từ mốc cao đạt được vào tháng 12/2015, trở thành chỉ số hoạt động kém nhất trong số 93 chỉ số chủ chốt của thế giới mà hãng tin Bloomberg theo dõi.



Tác động từ chứng khoán Trung Quốc khiến các thị trường khác phải “quay vòng vòng”. Tính từ đầu năm đến ngày 14/1, nếu như chỉ số Shanghai Composite Index giảm hơn 15%, thì chỉ số chủ chốt S&P 500 của Mỹ đã giảm suýt soát 6%, còn chỉ số STOXX 600 của Châu Âu giảm 7,2%.



Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, nhưng chịu tác động nhẹ hơn, khi chỉ số VN-Index mới giảm 4,5%.



Việc thị trường cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh được cho là do lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nước này cũng như đồng Nhân dân tệ đang yếu đi.



Trong dự báo mới nhất của mình, Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,7% trong năm nay từ mức ước tính 6,9% đạt được vào năm 2015.Một khảo sát của hãng tin Bloomberg còn đưa ra dự báo ảm đạm hơn, đó là GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,5% năm nay.



Vậy những lĩnh vực nào tại Việt Nam chịu tác động từ Trung Quốc?



Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tác động bất lợi cho một số ngành liên quan đến hàng hóa như khai thác mỏ, nông sản, nhưng lại tác động tích cực tới các ngành phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.



Theo bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), tình trạng kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến nhiều ngành nghề tại Việt Nam.



Các ngành liên quan đến hàng hóa như như khai thác mỏ, cao su, đường, và phân phối khí sẽ chịu tác động tiêu cực do giá hàng hóa thế giới dự kiến sẽ giảm trong cả ngắn hạn lẫn trung hạn.



Ngành thép được dự báo cũng có thể bị ảnh hưởng xấu, nhưng do nhu cầu mạnh gần đây nên các nhà sản xuất thép trong nước vẫn giữ được giá bán, bất chấp giá quặng sắt thế giới giảm.



Các ngành liên quan đến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, mà chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng sẽ chịu tác động tiêu cực do nhu cầu từ nước này giảm bớt.



Trong năm 2015, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và ASEAN, với kim ngạch ước đạt 17 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như rau quả, thủy sản, gạo, sắn, cao su, than đá…



Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng đang khiến đồng Nhân dân tệ mất giá trong bối cảnh đồng tiền này đang được thả nổi hơn, theo đó cũng tác động bất lợi đến những ngành khác của Việt Nam.



Một đồng Nhân dân tệ yếu đi có thể khiến các ngành như sản xuất thép và phân bón của Việt Nam phải cạnh tranh gắt gao hơn ở thị trường trong nước trước những hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn từ Trung Quốc. Các mặt hàng máy móc và phương tiện vận tải có thể cũng chịu tình cảnh tương tự.



Các ngành như nông sản, thực phẩm, xi măng và gia công phần mềm của Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc khi xuất khẩu ra thị trường thế giới do đồng Nhân dân tệ giảm giá.



Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng đem lại lợi ích cho một số lĩnh vực. Các công ty được hưởng lợi là doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và bán các sản phẩm ở trong nước do giá đầu vào giảm sẽ bù đắp cho chi phí cao hơn từ tỷ giá. Một số doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán có thể được hưởng lợi là Vinamilk (VNM), Nhựa Bình Mình (BMP), Pinaco (PAC), Dây cáp điện Việt Nam (CAV). Các doanh nghiệp khác cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giá hàng hóa giảm là Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Miền Nam (CSM), Đạm Phú Mỹ (DPM).



Một số doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng, nguyên liệu và xuất khẩu các sản phẩm cuối cùng cũng sẽ được hưởng lợi khi vô hiệu hóa được hiệu ứng tỷ giá.



Đồng Nhân dân tệ yếu cũng sẽ làm lợi cho ngành mà Việt Nam không thể sản xuất và phải nhập khẩu từ Trung Quốc như máy móc, thiết bị.



Khó có thể đưa ra một đánh giá toàn diện về tác động của việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc đến các lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đó là một số ngành nhà đầu tư có thể cần chú ý.



Theo một đánh giá mới đây của ngân hàng ANZ, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á chịu tác động ít nhất từ việc kinh tế Trung Quốc mất đà.



ANZ ước tính, nếu tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và Philippin đều sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm, Indonesia giảm 0,3 điểm, Thái Lan giảm 0,4 điểm, Malaysia giảm 0,5 điểm và Singapore giảm nhiều nhất là 1,4 điểm phần trăm.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn