Ngân sách của Quốc hội đề nghị giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3



Ngày 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.



Góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế từ kỳ họp QH thứ 10 (tháng 10-2015) về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ, một số đại biểu (ĐB) QH đề nghị không chia thành nhóm nhỏ đối với xe có dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3, không phân loại dung tích dưới 1.000 cm3 và đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu.



Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo luật là Bộ Tài chính đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3 như dự thảo luật; đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô có dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3, mỗi năm giảm 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019.



Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai, băn khoăn việc điều chỉnh chính sách thuế sẽ tác động như thế nào đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết ủy ban đã làm việc với DN sản xuất ô tô trong nước. Các DN cho rằng về cơ bản, mức thuế suất này không tác động lớn, bảo đảm được việc sản xuất ô tô trong nước.



Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long đề nghị tổng kết 3 pháp lệnh về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ để có thể xây dựng một luật thuế chống bán phá giá. Trước đề xuất này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết quy định như dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi và chủ động cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành hoạt động xuất nhập khẩu. “Đã có đề nghị làm luật riêng nhưng chúng tôi thấy rằng các nội dung này khá rõ ràng, nếu làm luật riêng sẽ chậm trễ hơn nhiều” - ông Hiển lý giải.



Trước ý kiến cho rằng dự luật giao thẩm quyền cho Bộ Công Thương quy định thuế chống bán phá giá là chưa phù hợp, ông Phùng Quốc Hiển giải thích theo thông lệ quốc tế, khi có vấn đề phát sinh, Bộ Công Thương tiến hành điều tra thuế suất trên nguyên tắc đã được quy định. Khi xác định có chuyện bán phá giá, trợ cấp, Bộ Công Thương đưa ra thuế suất trong thời hạn nhất định để đề phòng các nước có biểu hiện bán phá giá, trợ cấp. “Làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thì chúng ta mới tự vệ” - ông Hiển nói.



Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định khi có biểu hiện bán phá giá, trợ cấp, Việt Nam cũng như nhiều nước giao Bộ Công Thương tiến hành điều ra, xác định thiệt hại, sau đó mới ấn định số phải thu và Bộ Tài chính sẽ tiến hành thu. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Bộ Tài chính thống nhất đề nghị thời gian có hiệu lực của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) từ ngày 1-9 thay vì từ 1-7-2016.



Thế Dũng










Theo stockbiz.vn