JVC đã trải qua 7 phiên giảm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu đã giảm 30% chỉ sau 7 phiên giao dịch và chỉ còn 3.600 đồng/cổ phiếu. Mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết tới nay.



Diễn biến giá cổ phiếu (11/01 – 15/01/2016)



Trong toàn bộ các ngày giao dịch của tuần này, giá cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đều giảm sàn và hiện chỉ còn 3.600 đồng/cổ phiếu (15/01) so với mức 4.500 đồng/cổ phiếu (11/01). Tuần giao dịch này cũng kéo dài chuỗi ngày giảm sàn liên tiếp của JVC lên con số 7 phiên, trước đó JVC cũng từng lập “kỷ lục” khi giảm sàn 12 phiên liên tiếp vào tháng 6/2015.



Trong tuần này, cũng chỉ có hơn 1,22 triệu cổ phiếu JVC được giao dịch khớp lệnh với tổng giá trị đạt 5,15 tỷ, giảm mạnh so với tuần trước đó với con số 4,61 triệu cổ phiếu và tổng giá trị trên 21 tỷ. Đồng thời trong cả 5 ngày giao dịch, cổ phiếu JVC chỉ dư mua 4.000 đơn vị và dư bán lên tới gần 25 triệu.



Với mức giá 3.600 đồng/cổ phiếu hiện nay, JVC đã xuống tới mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết (6/2011) tới nay. Giá trị vốn hóa hiện nay của JVC chỉ còn 405 tỷ, giảm khoảng 85% từ khi ông Lê Văn Hướng – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc JVC bị khởi tố vào giữa năm 2015.



Từ lãi thành lỗ hơn 623 tỷ sau soát xét



Vào đầu tuần này (11/01), JVC đã công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (1/4 – 30/9/2015) đã soát xét của công ty mẹ.



Nguyên nhân chính của việc JVC giảm sàn liên tục là bởi báo cáo bán niên được kiểm toán bởi KPMG cho biết JVC đã lỗ tới hơn 623 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2015 (1/4 – 30/9/2015). Sau soát xét, thay vì mức lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ, JVC đã lỗ tới hơn 623 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015.



Cùng kỳ năm 2014, JVC ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 83 tỷ. Việc từ lãi thành lỗ hơn 623 tỷ sau khi BCTC được soát xét là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh bởi việc điều chỉnh tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng, phải thu khác, trả trước cho người bán và tài sản ngắn hạn khác …



Theo đó, JVC hiện đang có khoản phải thu ngắn hạn gần 1.200 tỷ và đang bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng thu hồi. JVC đã phải trích lập dự phòng 552 tỷ cho khoản phải thu này.





Chi phí quản lý doanh nghiệp của JVC (đv: tỷ VNĐ)



Cũng theo BCTC được kiểm toán, tại thời điểm 30/9/2015, JVC không còn số dư tiền mặt tại quỹ trong khi vào 31/3/2015 con số này là 403 tỷ đồng.



Giải trình về số dư tiền mặt “biến mất” trong báo cáo, JVC cho biết két tiền mặt đã bị cơ quan chức năng tạm thu giữ vào tháng 6/2015 để phục vụ công tác điều tra liên quan đến ông Lê Văn Hướng và được ghi nhận tại khoản mục “Khoản phải thu khác”.



Cổ đông ngoại rút vốn



Trước khi ông Lê Văn Hướng bị khởi tố, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại JVC là 49% với nhiều quỹ đầu tư lớn như DIAIF, Dragon Capital, Vietnam Equity Holdings,… Tuy nhiên hiện nay, khối ngoại chỉ sỡ hữu 38% cổ phần của JVC.



Cổ đông lớn nhất của JVC hiện nay vẫn là DI Asian Industrial Fund (DIAIF) với gần 21,77 triệu cổ phiếu (19,35% vốn điều lệ), Vietnam Equity Holding là cổ đông lớn thứ 2 với 7,07 triệu cổ phiếu (6,29%) và cổ đông lớn cuối cùng là CTCP Dream Incubator Việt Nam với 6,58 triệu cổ phiếu (5,85%).



HOÀNG LINH










Theo stockbiz.vn