Phiên giảm mạnh ngày “Thứ Hai đen tối” cuốn bay của thị trường hơn 1,6 tỷ USD được cảm nhận là đã đi quá đà do lo sợ một cách thái quá.



Xuất hiện bán giải chấp



Theo các nhà môi giới, hoạt động bán giải chấp đã xuất hiện khi thị trường ngày 18/1 có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015, với chỉ số VN-Index mất 3,1% và chỉ số HNX-Index mất 2,8%, khiến vốn hóa trên 2 sàn Hà Nội và Tp.HCM bốc hơi 1,64 tỷ USD.



Bà Trần Hà Vân - Trưởng phòng môi giới I chi nhánh Hà Nội của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – cho biết tình trạng “call margin” có xuất hiện ở một số tài khoản nhưng không nhiều.



Còn tại Công ty Chứng khoán MBS, ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM – cho biết hiện tượng giải chấp thậm chí đã diễn ra từ cuối tuần trước chứ không phải giờ mới bắt đầu.



Tuy nhiên, do thị trường diễn biến xấu hơn, nên hoạt động giải chấp cũng diễn ra mạnh hơn.



Áp lực bán giải chấp đã được cảnh báo từ tuần trước sau khi nhiều cổ phiếu liên tục giảm mạnh theo thị trường chung kể từ đầu năm 2016. Tính đến ngày 18/1, chỉ số VN-Index đã giảm 9,1% so với đầu năm.



Lo sợ thái quá



Theo lý giải của các chuyên gia môi giới, thị trường giảm mạnh trong phiên đầu tuần do một loạt các tin xấu ra dồn dập, như việc ngân hàng BIDV đột ngột ngừng cho vay mua nhà, chứng khoán thế giới giảm mạnh cuối tuần trước, giá dầu giảm sâu, kèm theo đó là các quỹ đầu tư vào Việt Nam bị rút vốn nhiều, dẫn đến tâm lý bi quan chung.



Bên cạnh đó là những đồn đoán về việc bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp, mà cuối ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải ra công văn đề nghị các bên liên quan phối hợp xử lý.



Theo bà Trần Hà Vân, những đồn đoán trên thị trường, mặc dù chưa ảnh hưởng ngay, nhưng nó tạo ra tâm lý xấu cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến họ bán rất nhiều.



Tuy nhiên, bà Vân cho rằng đây là cơ hội tốt để mua vào vì thị trường có vẻ đã đi quá đà, và về kỹ thuật thì cũng đã đến điểm hỗ trợ.



“Có đang cảm giác là thị trường đã bị bán quá, nghĩa là thị trường lo sợ một cách thái quá, giống như vụ Biển Đông hay vụ (phá giá) tiền tệ như vừa rồi,” bà nhận định.



Về phân tích kỹ thuật, bà Vân cho rằng thị trường đã chạm vùng hỗ trợ 515-520 điểm nên có thể sẽ bật lên.



“Tôi nghĩ đây là cơ hội để bắt đáy, để mua nhưng cổ phiếu cơ bản tốt”.



Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hoạt, thị trường có thể sẽ diễn biến tiêu cực 1-2 phiên nữa, và đó cũng là “thời điểm tốt để mua vào những mã mà rất lâu rồi mới quay lại vùng giá này”.



Ông cho rằng ngưỡng hỗ trợ hiện nay của thị trường chung không còn quan trọng nữa, và việc xác định giá một cổ phiếu ở mức hiện tại đã phù hợp để mua hay chưa là điều đáng quan tâm hơn.



Vị chuyên gia của MBS cho rằng một số nhóm cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn, gồm nhóm cổ phiếu do SCIC thoái vốn như VNM, FPT, BMP…, nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID mới về vùng 16x, VCB mới về vùng 30x..., và nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI, HSC.



Thực tế, hoạt động bắt đáy đã diễn ra khá tích cực khi thị trường giảm sâu. Số liệu cho thấy sàn TP.HCM ghi nhận giá trị giao dịch 2.548 tỷ đồng trong phiên ngày 18/1, mức cao nhất kể từ ngày 24/11/2015. Chỉ số VN-Index sau khi xuống mức thấp trong phiên là 518,16 điểm cũng đã bật lại về cuối phiên, đóng cửa tại 526,37 điểm.



Theo đánh giá của một nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam không có cớ gì để giảm quá mạnh trong giai đoạn hiện nay, vì trước đó không có sự tăng nóng bất thường như thị trường Trung Quốc. Do đó, trừ những yếu tố trong nước, còn những yếu tố khách quan bên ngoài chỉ là nhất thời.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn