Ngành điện Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù trong 86 dự án điện trong Quy hoạch Điện VII, chỉ có 18 dự án nhiệt điện được chỉ định dành cho nhà đầu tư nước ngoài, song ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam để đề xuất dự án điện BOT.



Mới đây, lễ ký thoả thuận đầu tư Dự án Nhiệt điện Nam Định theo hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) giữa Công ty TNHH Điện lực Taekwang (Hàn Quốc), Công ty ACWA Power (Arab Saudi) với Bộ Công Thương mở ra triển vọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Teakwang (Hàn Quốc) là nhà phát triển dự án. Giai đoạn 1 của BOT Nam Định sẽ có quy mô 1.200 MW. Việc hoàn tất đàm phán của Dự án BOT Nam Định giai đoạn 1 hứa hẹn sẽ có thêm 2 tỉ USD đổ vào ngành điện ngay trong năm 2016.



Không chỉ kỳ vọng với BOT Nam Định, theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện Dự án BOT Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,208 tỷ USD cũng đã kết thúc quá trình thảo luận để hoàn thiện các tài liệu liên quan đến dự án. “Dự kiến, trong quý I/2016, sẽ hoàn tất các hồ sơ liên quan và triển khai ký Thỏa thuận đầu tư để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án”. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm hơn 2 tỉ USD vốn nước ngoài khác được đổ tiếp vào ngành điện ngay trong năm 2016.



Cùng với đó, thông tin mới nhất từ Dự án BOT Hải Dương, quy mô 2,258 tỷ USD cho hay, nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị đóng tài chính cho Dự án. Dự kiến, việc thu xếp tài chính sẽ hoàn tất vào ngày 31/1/2016.



Sau khi hoàn tất thu xếp tài chính, Dự án BOT Hải Dương sẽ chính thức khởi công xây dựng nhà máy. Hiện kế hoạch được đặt ra là tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào tháng 12/2019 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2020.



Như vậy, trong năm 2016, ngành điện hứa hẹn trở thành tâm điểm đầu tư của nền kinh tế khi có thêm 4,5 tỉ USD vốn đầu tư mới được đăng ký thông qua việc Dự án BOT Nam Định và BOT Nghi Sơn 2 nhận được Giấy chứng nhận đầu tư. Cạnh đó là sự góp vui từ Dự án BOT Duyên Hải 2 và Dự án BOT Hải Dương đều có quy mô trên 2 tỉ USD mỗi dự án, hoàn tất thu xếp tài chính và chuyển sang khởi công xây dựng nhà máy chính.



Cho đến nay, ngoài các dự án điện BOT đã được cấp phép (Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2, Mông Dương 2, BOT Hải Dương và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1), thì còn hàng loạt dự án BOT ngành điện khác đang “nằm chờ”. Trong số này có thể kể đến Nhiệt điện Vân Phong 1, quy mô 1.200 MW, do Sumitomo (Nhật Bản) đeo đuổi từ năm 2006.



Ngoài những dự án trên, có thể nhắc đến Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh) mà Samsung C&T dã ký MOU với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) về việc phát triển dự án. Với quy mô 1.200 MW, dự án này dự kiến đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 1/2022 và vận hành cả nhà máy vào tháng 7/2022.



Chưa kể, Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 của Toyo-Ink (Malaysia), Nhiệt điện Quảng Ngãi của Sembcorp và Tata Power, công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) không chỉ đeo đuổi Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng), mà còn có tham vọng đầu tư cả 2 dự án điện ở tỉnh này, với quy mô cả hai dự án là 2.400 MW.



Công Trí










Theo stockbiz.vn