Các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ được hưởng mức lãi suất vay rẻ hơn vay bằng VND, song lại đối mặt rủi ro tỷ giá tăng cao. Thực tế, khi tỷ giá tăng mạnh thì nhiều doanh nghiệp đã bị lỗ tỷ giá tới hàng trăm tỷ đồng.



Một số chuyên gia nhận định, NHNN đang thực thi chính sách tỷ giá linh hoạt, kiểm soát chặt giao dịch ngoại tệ cùng với dự báo tỷ giá có xu hướng tăng cao.



Do đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ trong lựa chọn vay vốn bằng USD, EUR, mà chuyển sang vay VND để tránh rủi ro tỷ giá. Khả năng tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục còn giảm trong năm 2016 cũng được chuyên gia dự báo.



Nguy cơ lỗ do tỷ giá



Hiện nay, do lãi suất USD chỉ còn 0% nên nhiều ngân hàng buộc phải đẩy mạnh huy động vốn ngoại tệ, đồng thời tìm cách đẩy vốn vào các lĩnh vực trọng điểm như: dệt may, xăng dầu, gạo, da giày…



Không chỉ tạo nguồn cân đối cung cầu, ngân hàng đang có lợi nhuận cao nhờ chi phí huy động vốn USD đang rất lý tưởng. Chẳng hạn, năm 2015, lãi suất tiền gửi USD ở mức 0,75-1%/năm, còn lãi vay ở mức 4,2% đến trên 5%/năm. Có thể thấy, chênh lệch lãi suất USD đầu vào – đầu ra khá rộng, khoảng 3-4,8% đem lại thu nhập đáng kể cho ngân hàng.



Đến đầu tháng 1/2016, NHNN quyết định hạ lãi suất huy động USD về 0% (sau động thái tăng mạnh tỷ giá tới 3% trước đó) song rất ít ngân hàng thông báo giảm lãi vay ngoại tệ.



Thế nhưng, doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngoại tệ đang lo ngại tỷ giá biến động mạnh theo xu hướng tăng lên, dự báo sẽ tăng 1-3% trong năm 2016. Điều này khiến cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp bị phát sinh thêm đáng kể, có thể bị lỗ do chênh lệch tỷ giá.



Dẫn chứng như trường hợp bị lỗ tỷ giá rất lớn là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2), tỷ giá EUR giảm mạnh trong vòng hai năm trở lại đây đã giúp NT2 hưởng lợi tỷ giá. Trong quý III/2014, NT2 ghi nhận lãi gần 301 tỷ đồng nhờ lãi chênh lệch tỷ giá do đồng EUR giảm mạnh, nhưng quý III/2015, công ty này bị lỗ tỷ giá rất lớn, ước tính khoảng 224 tỷ đồng…



Tương tự, do vay nợ ngoại tệ lớn, công ty Đạm Cà Mau ghi nhận lỗ tỷ giá tới 171 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2015 và lỗ tiếp 217 tỷ đồng trong quý III/2015…



Không chỉ lo sợ lỗ tỷ giá, mà thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có nợ vay ngoại tệ, đã chuyển sang nợ xấu vẫn phải chịu mức lãi suất khá cao. Thậm chí, phần nợ lãi phạt đã vượt hơn cả nợ lãi trong hạn.



Theo công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), để hỗ trợ xử lý nợ xấu, giảm áp lực trả nợ, nhiều khoản nợ xấu mà VAMC mua về đã được giảm lãi suất trong quý I/2016. Nhưng VAMC chỉ giảm lãi suất cho khoản nợ bằng USD (giảm 0,1% xuống còn 4,2%/năm) và EUR (giảm 0,6% xuống còn 4,8%/năm), giữ nguyên lãi suất bằng VND.



Theo NHNN chi nhánh Tp.HCM, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn năm 2015 tăng tới 15,6%, đạt 1.234.816 tỷ đồng. Song, dư nợ ngoại tệ chiếm 11,2% (tương ứng 137.817 tỷ đồng), bị giảm 16,23% so với năm trước.



Kích cầu vốn ngoại tệ



Để kích cầu vốn, mới đây, các ngân hàng tại Tp.HCM đã cùng tham gia chương trình “Kết nối doanh nghiệp – ngân hàng” với cam kết tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng vốn giá rẻ.



Đơn cử, ngân hàng Seabank vừa triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ vốn cho các DN tại khu vực Tp.HCM trong cả năm 2016. Ngân hàng cũng hỗ trợ lãi suất vay thấp, tối đa là 7%/năm (khoản vay ngắn hạn) và không quá 9%/năm (khoản vay trung, dài hạn).



Chính sách tín dụng này hướng tới doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí, cao su, nhựa, chế biến lương thực – thực phẩm, dệt may, da giày, điện tử, công nghệ thông tin, doanh nghiệp nhỏ và vừa…



Với nhóm DN xuất nhập khẩu, Seabank ưu đãi giảm lãi suất vay chỉ 2,8%/năm bằng USD, từ 7%/năm bằng VND. Vì nhóm khách hàng này luôn có nguồn thu lớn bằng ngoại tệ, có thể đảm bảo cần đối cung – cầu ngoại tệ thuận lợi cho ngân hàng.



Nhằm tạo đà tăng trưởng tín dụng cho năm 2016, ngay từ quý IV/2015, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình kích cầu tín dụng, đặc biệt là đẩy mạnh cho vay dịp cuối năm và cận Tết nguyên đán.



Từ giữa tháng 11/2015 đến hết quý I/2016, Ngân hàng PVcomBank dành tới 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm cho doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn dưới 12 tháng. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dệt may, da giày, xăng dầu, phân bón và nhựa có thể vay vốn với lãi suất chỉ từ 5,7%/năm.



PVcombank còn dành tới 20 triệu USD để “bơm” vốn rẻ cho doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngoại tệ (bằng USD), nhất là doanh nghiệp lĩnh vực dệt may và xơ sợi, da giày, gạo, thủy sản, điều và nhựa… Mức lãi suất vay bằng USD chỉ từ 2,5%/năm là rất hấp dẫn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.



Từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều ngân hàng cũng dồn dập tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi giảm lãi vay, trong đó dành một phần vốn ngoại tệ để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thời điểm tết nguyên đán 2016 để tăng mạnh lượng vốn giải ngân, cải thiện thanh khoản vốn, hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp.



Hải Hà










Theo stockbiz.vn