Chứng khoán Việt Nam đã có một khởi đầu không thuận lợi năm 2016 khi nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ và Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cú sốc nữa trong năm nay, sau khi lịch sử những năm gần đây có diễn biến tương tự.



Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 lao dốc vì vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông, và năm 2015 cũng mất điểm mạnh vì vụ Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Vậy có nên dự phòng một cú sốc tương tự cho năm 2016 này?



“Có!”. Đó là câu trả lời của ông Trần Thăng Long – Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán BSC – trước câu hỏi của phóng viên NDH tại Hội thảo về Triển vọng ngành và Cơ hội thị trường chứng khoán năm 2016 do BSC tổ chức mới đây tại Hà Nội.



Tuy không tiết lộ phương án dự phòng của BSC, nhưng ông Long khuyến cáo nhà đầu tư lúc nào cũng nên chuẩn bị cho một tình huống rất xấu có thể xảy ra và giữ cho mình tâm thế không được lạc quan quá mức.



Ông Long cho biết, không chỉ có sự kiện Biển Đông hay phá giá của Trung Quốc, thị trường Việt Nam thời gian qua còn trồi sụt vì những vụ như Thông tư 36/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hay giá dầu sụt giảm.



Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu sự chi phối rất nhiều từ thị trường bên ngoài như hiện nay, ông Long cho rằng thị trường thế giới có thể có diễn biến bất lợi trong năm nay, đặc biệt là sau khi chỉ số Dow Jones của Mỹ đã có mạch tăng kỷ lục 7 năm liên tiếp, còn chứng khoán Trung Quốc đã tăng cực mạnh trong 2 năm trước, nên “khó có thể tăng được nữa”.



Việc thị trường chứng khoán thế giới “quá xấu”, theo ông Long, cũng là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường Việt Nam kể từ đầu năm nay, nhưng mức độ bán ở Việt Nam vẫn còn được cho là khiêm tốn.



“Chúng ta vẫn còn may mắn, vì nếu giờ này ngồi ở Philipin hay Malaysia thì thực sự nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bán ròng, mà còn bán ròng mạnh hơn nữa,” ông cho biết.



Cũng giải thích cho câu hỏi của NDH về việc tại sao khối ngoại tiếp tục bán ròng thời gian qua, ông Long cho rằng sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp của thị trường, nhất là khi Dow Jones có chu kỳ tăng 7 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã lãi tới 200-300%, thậm chí có người lãi 4-5 lần, nên họ “bán là đương nhiên”.



Với Việt Nam, ông cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm vì cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội. Việt Nam khác với các nước khác vì kinh tế bắt đầu phục hồi, có thể tăng không cao lắm nhưng tương đối khả quan, chính sách lại đang cởi mở hơn. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các tổ chức nước ngoài trước đây họ không quan tâm đến Việt Nam thì giờ đây họ quan tâm và viết các báo cáo về Việt Nam.



Tuy nhiên, ông Long cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài có mua cổ phiếu hay không thì lại tùy thuộc vào Việt Nam nhiều hơn. Nếu họ thấy Việt Nam cam kết mà không thực hiện đúng, hoặc họ thấy không đúng tiến độ, thì “không thể trách họ được.”



Trong bài trình bày của mình tại hội thảo, ông Long đã đưa ra dự báo về triển vọng thị trường năm nay.



Ông cho biết BSC sử dụng 3 phương pháp để dự báo chỉ số VN-Index năm nay, gồm phương pháp P/E, phương pháp cổ phiếu trọng số lớn và phương pháp mô hình hồi quy đa biến. Theo đó, giá bình quân của các phương pháp trên cho thấy điểm số mục tiêu của chỉ số VN-Index là 590 điểm, dao động từ mức tiêu cực 565 điểm đến mức tích cực 650 điểm. So với giá đóng cửa năm 2015, VN-Index dao động từ giảm 2,4% đến tăng 12,2%.



Về diễn biến thị trường, BSC dự đoán chỉ số VN-Index sẽ có sự sụt giảm vào tháng 1 và phục hồi dao động tăng giảm trong xu hướng tăng đến hết tháng 8, và giảm trở lại vào cuối năm 2016. Kịch bản này giống với diễn biến của năm 2015.



BSC cho rằng thị trường chứng khoán năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn và ẩn số, nhất là việc khó dự đoán về diễn biến của đồng Nhân dân tệ và hành động của Fed.



Ông Long đánh giá năm 2016 có thể là năm khó khăn nhất của thị trường Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, kể cả từ thời khủng hoảng.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn

View more random threads: