Giá dầu phiên 29/1 vượt mốc 35 USD/thùng, tăng 25% so với mức đáy 12 năm ghi nhận hồi đầu tháng 1 trước triển vọng thỏa thuận giữa các nước xuất khẩu chủ chốt về việc cắt giảm sản lượng, phần nào xao dịu tình trạng thừa cung tồi tệ nhất trong lịch sử.



Chốt phiên, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 3/2015 tăng 40 cent, hay 1,2%, lên 33,62 USD/thùng, cao nhất kể từ 6/1. Cả tuần giá dầu WTI tăng 4,4% nhưng giảm 9,2% trong tháng 1/2016.



Giá dầu Brent giao tháng 3/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 85 cent, tương ứng 2,5%, lên 34,74 USD/thùng, cao nhất kể từ 5/1. Cả tuần giá dầu Brent tăng 7,9%, nhưng giảm 7,8% trong tháng 1/2016.



Tuần này, Nga cho biết có thể sẽ hợp tác với OPEC về việc cắt giảm sản lượng - một đề xuất mà nước này đã từ chối trong suốt 15 năm qua.



Hôm thứ Sáu 29/1, Mát-cơ-va đã phát đi một tín hiệu khó hiểu khi Phó thủ tướng Arkady Dvorkovich cho biết, sản lượng dầu thô của nước này có thể giảm do việc cắt giảm đầu tư, nhưng nước này sẽ không can thiệp để bình ổn thị trường.



Tin tức này đã dội gáo nước lạnh vào khả năng hợp tác giữa OPEC và các nước ngoại Khối trong việc cắt giảm sản lượng mà Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Năm 28/1.



Nhưng chỉ vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Nga lại cho biết, cựu Bộ trưởng Sergei Lavrov sẽ có chuyến viếng thăm Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Oman để thỏa luận về thị trường dầu mỏ.



Tuy nhiên, số liệu về sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Iran cho thấy viễn cảnh thừa cung dầu thô toàn cầu chưa thể sớm kết thúc trừ khi các nước xuất khẩu chủ chốt đồng loạt cắt giảm sản lượng.



Xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 1 và tháng 2/2016 dự kiến tăng hơn 1/5 so với mức bình quân năm 2015 đồng thời nước này tuyên bố “sẽ không xem xét cắt giảm sản lượng” cho đến khi xuất khẩu dầu thô tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày so với mức 1,1 triệu thùng/ngày hiện nay.



Vũ Hà - theo Reuters/WSJ










Theo stockbiz.vn