Xu hướng mở rộng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục sôi động trong năm 2015, nổi bật là hàng chục trung tâm thương mại nước ngoài đã trực tiếp xây dựng hệ thống hay mua lại thương hiệu bán lẻ Việt.



Nhưng một điểm đáng lưu ý là trong bức tranh sôi động đó nhiều doanh nghiệp Việt đang có nguy cơ phải rời cuộc chơi, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà.



Vậy tương lai nào đang chờ đợi hàng Việt khi hàng ngoại sẽ theo chân nhà bán lẻ nước ngoài xâp nhập thị trường Việt Nam?



Cạnh tranh sát sạt



Siêu thị Fivimart luôn được biết tới là hệ thống bán lẻ hàng Việt hàng đầu trong nước với số lượng hàng Việt lên tới hơn 90% trong hệ thống. Kể từ đầu năm 2015 sau khi chuyển nhượng 30% cổ phần cho nhà bán lẻ Nhật Bản - Aeon, Fivimart cũng bắt đầu dành một phần không gian trưng bày cho nhãn hàng Top Value của đối tác Nhật.



Khi có thêm nhà đầu tư ngoại, nhiều kệ hàng trước đây chỉ có hàng Việt, nhưng giờ đây đã xuất hiện thêm hàng do nước ngoài sản xuất. Nếu xâu chuỗi lại từ khi mở cửa thị trường bán lẻ (năm 2010) thì cuộc chiến dành chỗ đứng trên kệ của hàng Việt thực sự quyết liệt.



Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (phụ trách chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, khi có vốn của nhà đầu tư nước ngoài, hàng Việt cũng chịu thêm áp lực cạnh tranh.



Đơn cử, tại Trung tâm thương mại Aeon Long Biên mới hoạt động trong năm 2015 đã thu hút khoảng 50.000-60.000 lượt khách mỗi ngày, thậm chí vào ​những ngày cao điểm đã lên tới 140.000 lượt khách.



Ở siêu thị này, cũng 90% là hàng Việt Nam còn hàng của Nhật Bản thì đa phần được sản xuất ở nước thứ ba như HongKong... Tuy nhiên, có một điểm khác, đó là khoảng 10% hàng ngoại thuộc hệ thống Aeon toàn cầu, hấp dẫn cả phong cách, mẫu mã, giá cả, do vậy nhiều khách hàng đến với Aeon Mall cũng đặt sự quan tâm nhiều tới các mặt hàng có thương hiệu của Nhật Bản.



Ông Tadahiko Ishikawa, Giám đốc Trung tâm Bách hóa và Siêu thị Aeon Long Biên cho biết, hàng hóa vào hệ thống của Aeon đều phải đạt các tiêu chuẩn Nhật Bản.



“Chúng tôi đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ xây dựng được 16 trung tâm thương mại trên toàn Việt Nam. Riêng tại Hà Nội chúng tôi sẽ có 6 trung tâm,” ông Tadahiko Ishikawa nói.



Ngoài Aeon những thương hiệu ngoại như Metro, Lotte, Big C, Parkson, BJC… cũng đang phát triển chóng mặt. Bên cạnh đó, hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới như E-mart (Hàn Quốc), Wallmart (Mỹ), Seven & I Holdings và Takashimaya của Nhật Bản… cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam



Và để có thể tồn tại trước làn sóng đầu tư của các “ông lớn ngoại”, ngày càng nhiều nhà bán lẻ Việt phải bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cấp và mở rộng hệ thống.



Đơn cử như: Fivimart bán 30% cổ phần cho Aeon (Nhật Bản); Citi Mart bán 49% cổ phần cũng cho Aeon; S.mart nay trở thành Simply Mart của AuchanSuper (Pháp); Trần Anh đã bán 31% cho Nojima Corporation (Nhật Bản); Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho Central Group (Thái Lan)...



Không để trống thị trường nội địa



Làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài theo hướng trực tiếp đầu tư hệ thống hay mua lại thương hiệu bán lẻ Việt đều sẽ tạo áp lực lớn hơn cho sự tồn tại của hàng Việt trong siêu thị.



Đó là bởi, mỗi nhà bán lẻ nước ngoài đều có mạng lưới cung cấp riêng tạo nên sự đặc sắc và định vị thương hiệu trên đường chinh phục thị trường thế giới. Không có lý do gì để họ tiếp tục duy trì một hệ thống sản phẩm cũ khi mua lại hay đầu tư một thương hiệu bán lẻ Việt.



Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cũng là nguyên liệu của Việt Nam, nhưng trong các siêu thị của nước ngoài hàng hóa được chế biến thành hàng trăm món ăn khác nhau và rất hấp dẫn khách hàng, ngược lại các siêu thị trong nước vẫn chưa tận dụng được cơ hội trên và đây là một áp lực cạnh tranh rất lớn để thu hút khách hàng.



Hiện có không ít nhóm hàng tiêu dùng của Việt Nam được xuất khẩu sang những thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Nhật, EU, Mỹ…Điều này cho thấy hàng Việt nếu thực sự cố gắng vẫn có cơ hội trên kệ siêu thị kể cả khi thị trường bán lẻ bị thống trị bởi khối ngoại.



Tuy nhiên, nhà bán lẻ không phân biệt thuần Việt hay nước ngoài đều có mục tiêu cuối cùng là phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Họ sẽ bán những sản phẩm mà người tiêu dùng muốn mua và có thể mua, do vậy các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích nghi theo hướng này.



Trước những thách thức đặt ra, theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, để đối mặt với nguy cơ rời kệ hàng siêu thị ngày càng lớn trước áp lực hội nhập, mở cửa không có cách nào khác ngoài con đường hàng Việt phải nâng cao sức cạnh tranh cả về giá cả lẫn chất lượng.



Bên cạnh đó, hàng Việt cũng nên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nông thôn khi các siêu thị bình dân đang hình thành, tận dụng lợi thế trên sân nhà và các chính sách phát triển thị trường nội địa mà Bộ Công Thương đang triển khải để củng cố hệ thống phân phối, cũng như mở rộng thị phần./.



Đức Duy










Theo stockbiz.vn