Nếu tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản (tỷ lệ LDR) từ 80% lên 90% cho 3 ông lớn ngân hàng thành sự thật thì Vietinbank và BIDV vẫn vượt mức trần mới này.



Một tin vui cho ba “ông lớn” Vietcombank, BIDV, Vietinbank là Ngân hàng Nhà nước dự kiến nâng tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản (tỷ lệ LDR) từ 80% lên 90%. Nếu được thông qua, đây sẽ là “món quà” không nhỏ cho 3 ông lớn này vì đã tích cực tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.



Cụ thể, theo quy định hiện hành ở Thông tư 36, NHTM Nhà nước được áp tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 90%; các NHTM cổ phần (trong đó bao gồm cả Vietcombank, Vietinbank và BIDV), ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài là 80%.



Còn theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 21, trong đó có bổ sung khái niệm NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (bao gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV) được áp tỷ lệ LDR là 90%.



Việc bổ sung thêm khái niệm này nhằm phân biệt với những NHTM Nhà nước như Agribank, OceanBank, GPBank, Ngân hàng Xây dựng và những NHTM cổ phần khác như Sacombank, ACB, Eximbank… Việc định nghĩa rõ ràng hơn về 2 loại NHTM có vốn nhà nước cũng phù hợp hơn với quy định mới của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015.



Tuy vậy, dù có được thông qua, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản của 2 ông lớn Vietinbank và BIDV vẫn đang vượt trần. Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 11, tỷ lệ dư nó cho vay trên tổng tài sản của NHTM Nhà nước là 98,36%; trong khi toàn hệ thống chỉ ở mức 89,45%, NHTM cổ phần là 79,68%.



Theo CTCK TP.HCM (HSC), định nghĩa và công thức tính tỷ lệ LDR trong Thông tư 36 gần như không thay đổi. “Về mặt lý thuyết thì việc sửa đổi này sẽ giúp cho BIDV và Vietinbank có thêm nhiều dư địa để gia tăng cho vay. Mặc dù tỷ lệ LDR thuần theo thông lệ quốc tế của cả 2 ngân hàng này đều tương đối cao.



Theo đánh giá của HSC, tỷ lệ LDR của Vietinbank đang ở mức rất cao, ước tính khoảng 106% vào cuối năm 2015. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 102% của năm 2014.



“Vietinbank từ lâu đã duy trì tỷ lệ LDR ở mức cao và đây có thể là một chiến lược không thực sự bền vững. Số ước của chúng tôi dựa trên mức tăng trưởng huy động (có bao gồm giấy tờ có giá) được cho là tăng 18,3% so với 2014, lên 508.940 tỷ đồng. Một tỷ lệ LDR cao (trên 100%) sẽ nâng đỡ khả năng sinh lời, nhưng có thể phải đánh đổi bằng gia tăng rủi ro thanh khoản”, HSC phân tích.



Tình trạng cũng diễn ra tương tự ở BIDV. Việc duy trì tỷ lệ LDR thuần vẫn trên 100% và cho thấy những nguy cơ về rủi ro thanh khoản ở ngân hàng này.



Căn cứ vào báo cáo rủi ro tiền tệ của BIDV, HSC ước tính tỷ lệ LDR thuần đối với VNĐ là 103,31% và đối với USD và các ngoại tệ khác quy đổi ra USD là 136,16%. Tỷ lệ LDR thuần cho toàn bộ các loại tiền tệ quy đổi ra VNĐ là 106% hiện là một mức rất cao so với bình quân các ngân hàng niêm yết.



Báo cáo rủi ro thanh khoản cũng cho thấy rằng BIDV là ngân hàng có mức độ tập trung cao nhất các nguồn huy động tiền gửi ngắn hạn, với tỷ lệ là 97,5%/tổng số dư huy động khách hàng của BIDV có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 1 năm và 64,21% có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 3 tháng.



“Do đó, tình trạng thiếu hụt các nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại cùng với tỷ lệ LDR thuần đang rất cao cho thấy rằng, BIDV sẽ tương đối phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng và kênh hỗ trỡ vốn của NHNN (ví dụ OMO). Muốn cải thiện tình trạng này, BIDV sẽ phải áp dụng một chính sách lãi suất huy động cạnh tranh hơn nữa. Như vậy, tỷ lệ NIM sẽ bị áp lực và khó tăng lên”, HSC phân tích.



Vietcombank là ông lớn có tỷ lệ LDR thuần thấp nhất trong 3 ông lớn NHTM có vốn Nhà nước. Theo tính toán của HSC, năm 2015, tỷ lệ LDR thuần tăng nhẹ lên 77,1% từ 76,8% của năm 2014. Tuy nhiên LDR ngoại tệ, mà chủ yếu là tiền USD, đã giảm về mức 69,2% từ 90% của năm trước đó. Mức LDR ngoại tệ thấp đã cho Vietcombank đủ nguồn vốn đầu tư vào trái phiếu USD như đề cập ở trên.



Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 cũng cho thấy BIDV đang vay của NHNN là 33.961 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ vay có 1.760 tỷ đồng. Mặc dù thấp hơn BIDV, nhưng Vietinbank cũng là ngân hàng vay NHNN với số tiền lớn. Theo đó, năm 2015, Vietinbank vay NHNN lên tới 13.205 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ có 4.731 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn vay NHNN, Vietinbank vay chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá nhiều nhất, chiếm tới 10.039 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ vay 3.499 tỷ đồng.



Trong khi đó, năm 2015, Vietcombank chỉ vay NHNN có 2.861 tỷ đồng. Dù thấp hơn BIDV nhưng lại tăng gấp đôi so với năm 2014 là 1.219 tỷ đồng.



TRẦN GIANG










Theo stockbiz.vn