“Kinh tế làm trung tâm, kinh tế không phát triển thì khó nói. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi cũng co ro”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.



Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (26/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thách thức từ thế giới đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến Việt Nam. Việt Nam đã hội nhập sâu, ranh giới thị trường trong nước và thế giới gần như không còn.



Thủ tướng cũng cho biết, tuy còn hạn chế yếu kém, nhiều lĩnh vực chưa hài lòng nhưng điểm được của kinh tế Việt Nam thời gian qua như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam đã đạt được là những thành tựu đáng trân trọng.



Đồng thời, tăng trưởng kinh tế cũng được phục hồi và tăng trưởng nhanh dần từ 2013 trở đi, sức cạnh tranh cũng được đánh giá cao hơn.



Cũng theo Thủ tướng, kỳ họp Quốc hội tới đây Thủ tướng sẽ trình bày kế hoạch 5 năm trước Quốc hội với những mục tiêu chung như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng 2016-2020 là 6,5-7% mặc dù là con số thấp nhưng cạnh tranh gay gắt nên đây là mục tiêu phù hợp.



Tiếp theo là tái cơ cấu nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh; tạo môi trường thông thoáng minh bạch, kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước pháp quyền, phát huy quyền dân chủ, tự do của dân…



“Nhân dân làm kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện từ kinh tế gia đình. Nói tư nhân là doanh nghiệp của dân, làm ăn thành công là tốt. 90 triệu dân có 600.000 doanh nghiệp, khoảng 400.000 doanh nghiệp đóng thuế, phải đột phá để tạo điều kiện phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.



Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho ngành công thương trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với 14 Hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết trong đó 2 FTA thế hệ mới, bên cạnh thời cơ là khó khăn thách thức đòi hỏi quyết tâm lớn.



“Phải hoàn thiện thể chế, sức cạnh tranh phụ thuộc lớn vào thể chế. Một thông tư, một chữ, một chấm phẩy cũng có thể gây khó khăn. Cần cải cách hành chính theo kinh tế thị trường hiện đại”, Thủ tướng nói.



Cũng theo Thủ tướng, việc của Tham tán thương mại không chỉ xúc tiến hàng hoá, cần kiến nghị sửa các quy định, trách nhiệm với dân, doanh nghiệp, đóng góp thể chế tạo môi trường minh bạch, công bằng, ít xin cho chừng nào tốt chừng ấy, chừng nào doanh nghiệp còn khó khăn thì ta có lỗi.



“Phải tận dụng tối đa Hiệp định thương mại, tuyên truyền để người dân thấy thuận lợi để phát huy thuận lợi. Chính tôi gặp Tổng thống Mỹ Obama nói về Nông trại, cá basa, gặp Thủ tướng Hàn Quốc nói về trái dừa, gặp lãnh đạo Úc nói về vải, Nhật Bản nói về trái xoài….. Các đồng chí tham tán phải làm, không chỉ ở Việt Nam mà lãnh đạo các nước cũng đang làm như vậy.



Từ quan hệ giới chức tới doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, chuỗi để chen chân vào chuỗi giá trị. Doanh nghiệp phải làm nhưng cầu nối phải là anh tham tán, tham gia làm, cùng chung sức mới tận dụng hết thời cơ, khắc phục khó khăn từ hiệp định thương mại”, Thủ tướng chỉ đạo.



Thủ tướng cũng thông tin, Việt Nam đang đàm phán 4 FTA với Israel, khu vực ASEAN và các nước Đông Á, ASEAN với HongKong, Việt Nam với 4 nước Bắc Âu và kỳ vọng chắc chắn việc đàm phán sẽ thuận lợi do Việt Nam đã có nền TPP, và FTA Việt Nam-EU.



“Mong tham tán làm tốt hơn trách nhiệm của mình để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn. Kinh tế là trung tâm, kinh tế không phát triển thì khó nói. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro”, Thủ tướng nhấn mạnh.



NGUYỄN THẢO










Theo stockbiz.vn