Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đề nghị hướng dẫn việc nhập khẩu đất vào Việt Nam.



Trao đổi với VnExpress sáng 9/3, nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết đây là lần đầu cơ quan này giải quyết việc doanh nghiệp xin nhập khẩu đất về Việt Nam. Hiện quy định pháp luật chưa hướng dẫn đầy đủ về trường hợp này nên Tổng cục vẫn phải chờ xin ý kiến các bên, cụ thể là Bộ Nông nghiệp.



Trước đó, cơ quan này đã nhận được báo cáo của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, cho biết vướng mắc về thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch đối với các loại đất nhập khẩu: đất sét, đất sét cao lanh, đất chịu lửa, đất sét bentonite… Đây là các loại đất đã nung, xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08.



Các nhóm đất trên đều thuộc họ đất sét, có đặc tính mềm dẻo khi ẩm, rắn chắc khi khô nên được dùng nhiều trong làm gốm sứ, vật liệu xây dựng, các sản phẩm chịu lửa và đồ dùng trang trí trong nhà. Ngoài ra đất sét còn được dùng để cải tạo đất đai. Riêng đất sét bentonite là một loại có nguồn gốc từ tro núi lửa, được sử dụng rộng rãi như một thành phần của cát làm khuôn đúc, như một chất lọc và khử màu trong quá trình lọc dầu, tẩy dầu mỡ cho vải sợi và làm mỹ phẩm.



Tổng cục Hải quan cho biết Luật Thương mại, Nghị định 187 (năm 2013) và Thông tư số 4 của Bộ Nông nghiệp không đề cập đến chính sách quản lý, cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện với đất. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 lại có quy định hành vi bị cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Bộ Nông nghiệp đồng ý bằng văn bản.



Thông tư số 30 ban hành năm 2014 và Quyết định 2515 của Bộ Nông nghiệp, nhóm đất 25.07 và 25.08 không thuộc danh mục phải kiểm dịch thực vật, nhập khẩu có điều kiện đối với đất nói chung.



"Hiện chính sách nhập khẩu đất chưa được quy định đầy đủ, cụ thể đối với từng loại đất, dẫn đến doanh nghiệp và cơ quan hải quan gặp khó khăn khi làm thủ tục nhập khẩu", văn bản nêu.



Theo đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Nông nghiệp hướng dẫn về chính sách, thủ tục nhập khẩu đất nói chung và từng loại đất để thống nhất, gỡ khó cho doanh nghiệp.



Thanh Lan - Bạch Dương








Theo stockbiz.vn