Nhiều thương hiệu lớn của ngành nhựa đang lần lượt bị nhà đầu tư nước ngoài (đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…) mua lại.



Rơi vào tay doanh nghiệp ngoại



Bên cạnh doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ làm hàng gia dụng, ngành nhựa trong nước cũng có những tên tuổi lớn, sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực bao bì, nhựa xây dựng như: Tín Thành, Tiền Phong, Bình Minh, Tân Á, AP… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu đối với một số DN. Nhiều DN nhựa trong nước đã bán từ 20-80% vốn cho nước ngoài.



Tập đoàn SCG của Thái Lan được xem là nắm giữ nhiều nhất cổ phần của các DN nhựa Việt Nam. Cùng với thương vụ mua lại 80% cổ phần của Nhựa Tín Thành, trị giá hơn 44 triệu USD vào năm ngoái, SCG còn sở hữu mua trên 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và gần 25% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Ngoài những DN đã nêu, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.



Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản quan tâm đến thị trường nhựa của Việt Nam cũng đang từng bước thôn tính DN trong ngành. Trong đó phải kể đến Công ty Bao bì United và Công ty Bao bì Golsun đã được Oji Holding Corporation của Nhật và Sagasiki Vietnam mua lại. Bất ngờ nhất, Nhựa Tân Tiến đã mất vai trò chi phối tại DN khi chỉ còn sở hữu chưa tới 24% cổ phần, số còn lại đã bị một nhà đầu tư của Hàn Quốc nắm giữ.



Lãnh đạo một DN sản xuất bao bì nhựa chia sẻ: Áp lực cạnh tranh đang ngày càng đè nặng DN ngành nhựa do công nghệ không theo kịp thế giới, chi phí đầu vào lớn trong khi lợi nhuận lại liên tục giảm. Do đó, không ít DN đã chọn con đường “bán mình” để bảo toàn vốn.



Củng cố sản xuất để cạnh tranh



Cùng với sản xuất hàng nhựa gia dụng, thị phần lớn nhất của DN nhựa Việt Nam là các loại bao bì phục vụ cho lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, nông sản, thủy sản xuất khẩu… Ngoài ra, DN nhựa trong nước còn có thế mạnh đối với lĩnh vực nhựa xây dựng như sản xuất ống nhựa và chi tiết, vật liệu nhựa. Tuy nhiên, việc liên kết, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh giữa các DN trong lĩnh vực này còn rất yếu khiến khó tiếp nhận được những đơn hàng lớn từ nước ngoài.



Giám đốc một DN nhựa có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Một khó khăn lớn của DN ngành nhựa là thiếu nguồn nguyên liệu đạt chất lượng. Chi phí sản xuất vì thế cũng sẽ bị nâng lên.



Để có thể tận dụng được những lợi thế ưu đãi khi hội nhập cũng như đảm bảo sức cạnh tranh ngay trên sân nhà khi ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, nhiều DN đã và đang tích cực đầu tư, củng cố lại hoạt động sản xuất. Đáng chú ý, một DN lớn của ngành nhựa là Công ty nhựa Rạng Đông cũng đang tập trung củng cố sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại hơn để giữ khách hàng truyền thống và phát triển sản phẩm xuất khẩu.





Duy Minh





<div>




</div>

Theo stockbiz.vn