Hai nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đã chiếm tới 34% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2, góp phần khiến cán cân thương mại thâm hụt trở lại.



Sau khi đạt mức xuất siêu lớn nhất trong hơn 1 năm vào tháng 1, tình trạng nhập siêu của Việt Nam đã sớm quay trở lại.



Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam nhập siêu hơn 190 triệu USD trong tháng 2/2016, sau khi xuất siêu hơn 700 triệu USD trong tháng trước đó.



Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 2 đều giảm mạnh so với tháng 1, một phần do hiệu ứng nghỉ Tết Nguyên đán. Số liệu cho thấy giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2 đạt 10,1 tỷ USD, giảm 24,4% so với tháng trước; trong khi nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD, giảm 18,3%.



Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu của khối này trong tháng 2 đạt 7,3 tỷ USD, giảm 18,7% so với tháng 1, trong khi nhập khẩu đạt 6,5 tỷ USD, giảm 10%. Theo đó, khối FDI đã xuất siêu 885,3 triệu USD trong tháng 2.



Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 23 tỷ USD, giảm 5,7%.



Như vậy, Việt Nam vẫn xuất siêu 675,8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.







Con số này chủ yếu do sự đóng góp của khối FDI khi khu vực này xuất khẩu đạt 16,6 tỷ USD, cao hơn nhiều giá trị nhập khẩu 13,8 tỷ USD của cùng giai đoạn.



Có 3 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD trong tháng 2, trong đó hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 2,4 tỷ USD và máy vi tính và sản phẩm điện tử đạt hơn 1 tỷ USD.



Về nhập khẩu, có 2 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD, trong đó nhập khẩu máy tính và sản phẩm điện tử đạt 1,9 tỷ USD, còn nhập khẩu máy móc thiết bị đạt 1,6 tỷ USD.



Trung Nghĩa








Theo stockbiz.vn