Môi trường kinh tế, chính trị và xã hội khá ổn định, Việt Nam tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI khá dồi dào trong 2 tháng đầu năm 2016, đạt 2,8 tỷ USD.



Vốn FDI sẽ tăng trưởng 20%



Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã kỷ lục từ trước đến nay khi cả năm 2015 vốn FDI thực hiện đạt 14,5 tỷ USD.



Bước sang năm 2016, vốn FDI vẫn tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung từ đầu năm tính đến 20/2/2016 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 135%, vốn FDI thực hiện ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015.







Theo Báo cáo đặc biệt của CTCK Maybank Kim Eng, dòng vốn FDI tập trung nhiều vào công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP.



Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điểm sáng vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 15% - 20% trong thời gian tới nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại này.



Ngành chế biến chế tạo vẫn chiếm phần lớn FDI



Trong giai đoạn 2011-2015, ngành chế biến chế tạo luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu FDI đăng ký. Một số dự án FDI lớn đã được giải ngân thành công như Samsung, LG, Intel đã góp phần lớn vào tăng trưởng FDI trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn này.



Trong 2 tháng đầu năm 2016, ngành công nghiệp, chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất tới 71% tổng vốn đăng ký.



Kế đến là Nghệ Thuật, vui chơi, giải trí chiếm 7,5% tổng vốn.



Đây là tín hiệu rất tốt cho tăng trưởng kinh tế do ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đang tạo ra giá trị đáng kể cho nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản phẩm quốc nội.



Cụ thể, trong năm 2015, tính riêng ngành chế biến chế tạo chiếm đến 13,7% trong cơ cấu GDP.









Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ chiếm phần lớn đầu tư FDI



Đầu tư FDI tập trung mạnh vào khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ với bình quân chiếm hơn 70% vốn FDI cả nước.



Điều này cũng tương đối dễ hiểu là do các khu vực này có vị trí địa lý, hạ tầng giao thông thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển hoàn chỉnh.



Ngoài ra, khu vực này bao gồm TP HCM và Hà Nội là hai đầu tàu kinh tế của cả nước và là thị trường lớn của các doanh nghiệp FDI.



Tính đến 2 tháng đầu năm 2016, các thành phố thuộc khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và Đông Nam bộ tiếp tục đón nhận vốn dòng vốn FDI cao nhất cả nước.



Cụ thể, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 242,4 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Ninh 200,6 triệu USD, chiếm 10,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 157,1 triệu USD, chiếm 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh 155,9 triệu USD, chiếm 8,2%.



Tính chung 2 tháng đầu năm 2016, cả nước ước xuất siêu 900 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu cao ở mức 2,1 tỷ USD, khu vực có vốn FDI tiếp tục xuất siêu 3 tỷ USD.









Số liệu thương mại 2 tháng đầu năm 2016 tương đối tích cực nếu so với thâm hụt 1,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2015.



HOÀNG ANH








Theo stockbiz.vn