Giá dầu đã lên đỉnh cao nhất từ đầu năm đến nay khi triển vọng về một cuộc họp khẩn giữa các nhà sản xuất lớn trở nên xán lạn. Liệu đà tăng này có tiếp tục trong khoảng thời gian còn lại trong năm 2016?



Trong thời gian gần đây, thị trường thế giới liên tục chứng kiến sự tăng giá mạnh của dầu thô.



Đặc biệt, sau nhiều phiên tăng giá liên tục, kết thúc phiên giao dịch đêm qua (17/3), giá dầu đã lên đỉnh cao nhất từ đầu năm đến nay khi triển vọng về một cuộc họp khẩn giữa các nhà sản xuất lớn trở nên xán lạn.



Theo đó, giá dầu thô Mỹ giao tháng Tư tăng 1,74USD, tương ứng 4,5%, lên 40,2USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange. Đây là mức cao nhất kể từ 3/12/2015.



Giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 1,15USD, tương đương 3%, lên 41,48USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe. Đây là mức cao nhất kể từ 4/12/2015.



Vậy, liệu đà tăng này có được tiếp tục trong thời gian tới? Đâu sẽ là mức đỉnh của dầu trong năm nay?



Tại buổi giao lưu trực tuyến "TTCK 2016: Cơ hội từ nới room, hàng mới và diễn biến giá dầu" tổ chức sáng nay (18/3), hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra khá lạc quan về hướng đi của "vàng đen" trong thời gian tới, tuy nhiên, vẫn khó có thể thoát khỏi vùng 40 - 50 USD/thùng trong năm nay.



Bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, CTCK ACB (ACBS) cho rằng, giá dầu hiện đã phục hồi về trên 40 USD/thùng và là tín hiệu tốt của cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, khả năng giá dầu tiếp tục tăng mạnh từ vùng giá này, nhất là về trên 50USD/thùng là khá thấp khi mà nguồn cung khá dồi dào ở thời điểm hiện tại. Do vậy, nhiều khả năng giá dầu sẽ biến động trong vùng giá 35-45 USD/thùng trong giai đoạn tới.



Còn theo ông Đào Hồng Dương, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), giá dầu giảm năm 2014 đến nay gần 2 năm. Trong hơn 1 năm vừa qua, nhà đầu tư đã tiếp cận những nguồn thông tin cho thấy 3 yếu tố được quan tâm nhiều nhất bao gồm cung cầu về dầu thô, với sự quan ngại tăng trưởng của các nền kinh tế lớn làm giảm cầu trong khi nguồn cung có xu hướng tăng lên.



Thứ hai là dự trữ dầu thô tăng nhanh gây quan ngại về khả năng kho chứa trên toàn cầu không tăng theo kịp và cuối cùng là các yếu tố địa chính trị.



Tuy nhiên, đầu năm 2016, chúng ta đã chứng kiến những biến động khác biệt hoàn toàn, có thể kể đến 3 dấu hiệu đủ để tạo nên những kỳ vọng dù chưa rõ ràng về khả năng tạo đáy của giá dầu:



Dấu hiệu thứ nhất là giá trị đầu tư ngành dầu khí có dấu hiệu chững lại. Theo Baker Hughes trong tháng 3 số lượng giàn khoan của Mỹ còn 392 giàn đánh dấu tuần giảm thứ 11 liên tiếp kể từ cuối năm 2015. Đây là diễn biến trái với đánh giá của EXXON từ đầu năm 2015 rằng sản lượng và đầu tư dầu đá phiến ở Mỹ sẽ không giảm cho dù giá dầu duy trì ở mức thấp.



Dấu hiệu thứ 2 là nguồn cung dầu có những dấu hiệu chững đà tăng thông qua việc Nga, OPEC và một số quốc gia ngoài OPEC đồng thuận đóng băng sản lượng. Đây là một yếu tố về mặt thực tế chưa tạo những tác động đáng kể lên nguồn cung dầu nhưng trên phương diện địa chính trị, tạo kỳ vọng lớn cho giới đầu tư về việc các quốc gia (cung cấp trên 70% tổng sản phẩm dầu thô toàn cầu) đang tìm con đường phù hợp để đi đến đồng thuận có lộ trình cắt giảm sản lượng. Quá trình này có thể sẽ mất nhiều thời gian nhưng nó là một trong những dấu hiệu khác biệt so với năm 2015.



Dấu hiệu thứ 3 là tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn không giảm mạnh như quan ngại của các nhà đầu tư. Năm 2015, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,8%, giảm so với cùng kỳ nhưng cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức. Các phát biểu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thể hiện sự cương quyết trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Điều tương tự diễn ra đối với Nhật Bản và Châu Âu.



Ngoài những dấu hiệu cơ bản, trên phương diện kỹ thuật, ông Dương cũng cho rằng, nhiều dấu hiệu cho thấy giá dầu tạo vùng đáy ngắn hạn trong khu vực quanh 30 USD/thùng (brent). Các số liệu về tồn kho dầu thô của Mỹ, tăng trưởng sản lượng của Iran,... hiện không còn tác động quá mạnh đến giá dầu thô như năm 2015.



Với cái nhìn lạc quan hơn, bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới đã có sự hồi phục mạnh mẽ từ mức đáy xác lập vào giữa tháng 1/2016.



Nếu nhìn về nguyên nhân sâu xa của sự hồi phục trên, đà tăng phần lớn đến từ yếu tố địa chính trị như việc đóng băng sản lượng của Saudi Arabia và Nga cũng như cuộc họp giữa các nước OPEC và ngoài OPEC trong thời gian tới.

Điều này thể hiện phần nào ý chí từ các nhà sản xuất dầu mỏ nhằm xác lập lại một mức giá phù hợp hơn với dầu thô. Nhìn về các yếu tố cơ bản của thị trường, Iran tiếp tục tăng cường khai thác sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ càng khiến tình hình dư cung trở nên trầm trọng.



"Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng việc dầu thô tiến tới mức 50 USD/thùng sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Mỹ vận hành trở lại. Vì vậy, nhìn về các yếu tố cơ bản của thị trường, giá dầu thô sẽ chưa thể hồi phục bền vững lên mức 60 USD/thùng trong năm 2016.



Thay vào đó, 40 - 50 USD/thùng sẽ là một vùng giá ổn định, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2016", bà Trúc nói.



LINH LINH








Theo stockbiz.vn