Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng nhẹ 0,83% so với cùng kỳ năm 2015, đạt gần 3,28 tỷ USD.



Đứng thứ hai trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hàng dệt may chiếm 14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng nhẹ 0,83% so với cùng kỳ năm 2015, đạt gần 3,28 tỷ USD.



Hoa Kỳ là thị trường chủ đạo của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam, chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước; trong 2 tháng đầu năm nay kim ngạch cũng chỉ tăng nhẹ 2,85%, đạt 1,61 tỷ USD.



Đứng sau thị trường chủ đạo Hoa Kỳ là các thị trường như: Nhật Bản 408,2 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ; Hàn Quốc 332,73 triệu USD, tăng 3,44%; Anh 98,92 triệu USD, giảm 5,43%; Trung Quốc 91,2 triệu USD, tăng 22,72%; Đức 89,47 triệu USD, giảm 4,4%.



Theo nhận định chung của các doanh nghiệp, thị trường Hoa Kỳ là thị trường chủ đạo và rất có tiềm năng cho hàng dệt may Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ có yêu cầu cao về chất lượng, nếu chinh phục được, tiềm năng và lợi ích thu về cho các doanh nghiệp dệt may trong nước là rất đáng kể.



Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 10 năm qua hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng, năm 2005 đạt 2,6 tỷ USD, đến năm 2015 tăng gấp 4,6 lần và đạt gần 12 tỷ USD. Lượng hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực thi.



Hiệp hội Dệt may cho biết, mặc dù việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo ra lợi thế vô cùng thuận lợi cho hàng hóa dệt may của Việt Nam xuất khẩu đi các nước trong khối TPP, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, nhưng cùng với đó sẽ là việc gia tăng hàng rào kỹ thuật.



Đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là điều kiện bắt buộc khi các doanh nghiệp muốn tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này. Hệ thống tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của Hoa Kỳ rất khắt khe và phức tạp, đặc biệt là với sản phẩm phục vụ cho trẻ em.



Có thể kể ra hàng loạt các yêu cầu áp dụng đối với hàng may mặc như Đạo luật An toàn sản phẩm tiêu dùng, Đạo luật Vải dễ cháy, tiêu chuẩn cho dây rút trên áo khoác trẻ em (ASTM F1816)… Trong đó, có những quy định chi tiết rất cụ thể như không được dùng dây rút ở vùng nón và cổ áo khoác trẻ em kích cỡ 2 - 12 tuổi, dây rút ở hông trên áo khoác không dài quá 75 mm ngoài ống rút…



Theo dự báo của Bộ Công Thương, sau khi TPP đi vào thực tế sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhiều khả năng đạt kim ngạch 51,4 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng các sản phẩm dệt may có thể đạt 15,2 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên con số 20 tỷ USD vào năm 2025.



Để đón các cơ hội từ TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cần am hiểu thị trường Hoa Kỳ, đây là yếu tố tiên quyết của sự thành công. Trong đó các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao hơn nữa năng lực bản thân, cũng như nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật, quy định và đặc tính riêng của thị trường Hoa Kỳ bằng nhiều nguồn và kênh thông tin.



Hải Minh






Theo stockbiz.vn