Các doanh nghiệp (DN) và NĐT khi tham dự ĐHCĐ có lẽ cũng không ngạc nhiên việc một số cổ đông tham gia với mục đích ngoài lề, như lấy bánh kẹo, lấy quà, thậm chí gần đây còn có chuyện “cầm nhầm” đồ của người khác. Đây là mặt trái trong sự phát triển của công ty đại chúng và được một số người gọi là “cổ đông ruồi”.



Cách đây 3 năm, tại ĐHCĐ của DN lớn trong ngành phân phối, ông tổng giám đốc của công ty đã nói khá nặng lời về việc một số cổ đông đến dự đại hội và tranh thủ… lùa bánh kẹo vào giỏ, khiến không ít người cảm thấy khó chịu. Có lẽ trong suy nghĩ của phần lớn cổ đông hay NĐT, đi dự ĐHCĐ là để tìm hiểu thông tin về DN, biểu quyết các vấn đề quan trọng, chuyện ăn uống, tiệc trà, ngay cả tiệc trưa, tiệc tối nếu có cũng chỉ là phụ. Vị này bị trách cứ là tính toán chi li quá mức, trái với vẻ ngoài hào hoa, phong nhã của mình, nhưng thực tế ông bị nói oan, vì đúng là ĐHCĐ của công ty này đã xuất hiện cổ đông ruồi. Cũng ở đại hội của một DN có tiếng là rộng rãi trong việc tặng quà cho cổ đông, đã có nhiều cổ đông phàn nàn về việc không được… tặng quà. Ông chủ tịch HĐQT phải giải thích rõ quà, mà ở đây là phong bì có tiền, được chuẩn bị dựa trên số lượng cổ đông đăng ký trước, trong khi số cổ đông đến không đăng ký quá nhiều, nên DN không thể quán xuyến. Năm ngoái, một DN trong ngành thép tổ chức ĐHCĐ tại trung tâm hội nghị lớn ở quận 1, TPHCM đã khá vất vả khi vừa phải lo tiếp đón cổ đông, vừa phải đối phó với cổ đông ruồi. Những người này đi dự đại hội từ rất sớm hoặc đúng giờ và bắt đầu… hành động. Tại khu vực đồ ăn, tranh thủ nhân viên của DN không để ý, các cổ đông khác chưa đến, những cổ đông ruồi này “vét” số lượng lớn bánh kẹo được bày sẵn. Theo lời một nhân viên kể lại, khi phát hiện điều này, dù rất bực mình nhưng anh cũng phải ráng giữ bình tĩnh để nhắc nhở những hành vi thiếu văn hóa này.



Những chuyện trên thực ra dù khiến nhiều người khó chịu, nhưng việc cổ đông dự đại hội và bị mất đồ như mùa đại hội năm nay mới thực sự đáng ngại. Có thực tế là nhiều người đi dự đại hội vẫn tỏ ra khá… hớ hênh, đôi lúc đem theo laptop, máy tính bảng để sử dụng, đang ngồi họp có cuộc điện thoại cũng để cả giỏ xách lẫn máy chạy ra bên ngoài nghe và quay trở lại. Việc này thực ra rất bình thường, vì phần lớn NĐT tham gia ĐHCĐ chả ai nghĩ đến chuyện mất đồ hoặc bị lấy đồ. Thông thường, trong giờ giải lao của đại hội, các cổ đông, NĐT dành thời gian để trao đổi với nhau hoặc tranh thủ gặp mặt ban lãnh đạo DN để hỏi thêm. Khi ai cũng có tụ, có nhóm nên ít để ý đến người khác và đây là thời cơ để cổ đông ruồi hoạt động. Nhưng khi hiện tượng cổ đông ruồi ngày một nhiều hơn, có lẽ tất cả phải suy nghĩ lại.





Giám đốc tài chính một công ty cho biết, cổ đông ruồi thường hoạt động theo nhóm, dưới sự dẫn dắt của một nhóm trưởng, có khi cũng là người trong một gia đình và mục tiêu thường là “khai thác” tối đa các lợi ích bên lề của ĐHCĐ như đồ ăn, quà tặng và giờ tiến đến chuyện… lấy đồ. Cần nói rõ, việc đi dự ĐHCĐ để lấy quà là bình thường, thậm chí có thể xem là một cách kiếm tiền vui. Chẳng hạn, bỏ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mua CP, để được dự ĐHCĐ và có quà cũng như giải pháp sinh lời lớn trong ngắn hạn. Và những người đến dự đại hội, lấy quà một cách lịch sự vẫn được tôn trọng vì họ không làm sai luật. Cổ đông ruồi không được như vậy, khi mà cách hành xử theo kiểu “hốt”, “lùa” là phổ biến.



Không ai muốn đi dự đại hội mà thấy có cả đội bảo vệ đứng đầy ở đại hội hoặc công tác kiểm tra cổ đông nghiêm ngặt. Phần lớn NĐT đến với đại hội với tâm lý thoải mái, vui vẻ như một sự trải nghiệm. Nhưng nếu cổ đông ruồi ngày một nhiều hơn, DN cũng bắt đầu có cách ứng phó mới. Một DN vốn có truyền thống tổ chức tiệc trưa để mời cổ đông những năm trước đây, năm nay đã cắt hẳn và cho biết lý do vì có quá nhiều cổ đông ruồi, là một điển hình. Thậm chí người phụ trách tổ chức ĐHCĐ tại một DN còn gay gắt hơn, khi đưa ra ý kiến nên chăng giới hạn số lượng CP nắm giữ để dự đại hội, ai giữ quá ít có thể ủy quyền cho người khác. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm phát xuất từ sự bực tức khi vừa lo tổ chức đại hội căng thẳng, lại vừa phải… đuổi ruồi. Tuy nhiên, cổ đông ruồi cũng là một hiện tượng mang tính thách thức dành cho sự phát triển của công ty đại chúng. Một số cá nhân rõ ràng đã tận dụng được những lợi ích từ mùa ĐHCĐ, và câu chuyện cổ đông ruồi cho thấy tính đại chúng đang được mở rộng phạm vi, dù đây là mặt trái. Chuyện ứng phó bằng cách không tặng quà, không tổ chức tiệc chỉ là hiện tượng, bởi lẽ nhìn rộng hơn, từ hiện tượng cổ đông ruồi có thể xuất hiện những thách thức mới dành cho DN.



Như đã nêu trong bài, cổ đông ruồi hoạt động theo nhóm và có lẽ theo sự phát triển, sự kết dính sẽ còn chặt chẽ hơn. Vậy nên, các DN phớt lờ cổ đông nhỏ lẻ cũng nên lo lắng là vừa, vì cổ đông ruồi còn gắn kết được sẽ đến lúc các cổ đông thiểu số, cá nhân cũng có thể tự hình thành để trở thành nhóm cổ đông, gây áp lực cho DN. Mặt khác, ĐHCĐ thường được định vị (một cách vô tình) với các yếu tố sang, chảnh, cao cấp. Nhưng khi công ty ngày một phát triển, cơ cấu cổ đông trải đều, DN có lẽ phải nhìn nhận ở cách khác, khi ĐHCĐ có thể được tổ chức như một sự kiện lớn, quy tụ nhiều thành phần cổ đông và làm thế nào để tối ưu hóa lợi ích cho nhiều bên.



Công Mạnh








Theo stockbiz.vn

View more random threads: