TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, việc các tổ chức tín dụng mong muốn khách hàng gửi ngoại tệ là điều dễ hiểu. Và để làm điều này thì ngân hàng đương nhiên đã tìm cách “tri ân” khách hàng cho phù hợp.



Tại sao ngân hàng lại phải “lách” trần lãi suất huy động USD?




Là người đã từng kinh qua vị trí lãnh đạo cao cấp tại ngân hàng thương mại, nguyên Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối NHNN, ông Trương Văn Phước phân tích, thực tế, trong nền kinh tế các doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ qua mấy chục năm nay vẫn đang có số dư gần 20 tỷ USD. Và thực ra, trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng vẫn không cấm hẳn cho vay ngoại tệ.



Một số đối tượng như nhập khẩu xăng dầu, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài… vẫn được cung ứng vốn bằng ngoại tệ. Điều này có nghĩa là các tổ chức tín dụng (TCTD) đang còn duy trì các tài khoản tiền gửi USD. Cho nên việc họ muốn khách hàng giữ lại tiền gửi ngoại tệ là chuyện dễ hiểu. Và muốn được như vậy thì họ phải "tri ân" khách hàng theo cách phù hợp.



Ông cũng cho biết thêm, việc ngân hàng hạ lãi suất USD về 0% của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2015 là điều hợp lý. Nhưng ở thời điểm này những khó khăn của tỷ giá Việt Nam đang tạm thời qua đi do Fed sẽ không tăng lãi suất dồn dập, thậm chí chỉ tăng 2 hoặc 1 lần trong năm 2016. Và trong bối cảnh này, có lẽ chúng ta nên có điều chỉnh trong chính sách hiện nay cho phù hợp hơn, để các ngân hàng không cần phải lách trần lãi suất ngoại tệ, mà vẫn giữ được ổn định trong chính sách tiền tệ.



Ông Phước cũng lưu ý, “Chính phủ đã chỉ đạo là từng bước hạn chế đô la hóa, chứ không phải là ngay lập tức chấm dứt đô la hóa”. Đây là lời khẳng định về sự linh hoạt trong chính sách. Do đó, “Với chính sách ngoại tệ chúng ta cần rất thận trọng, chặt chẽ, nhưng cũng rất cần sự linh hoạt và phù hợp”, ông nhấn mạnh.



Chính sách tốt nhưng đã hết vai trò



Đánh giá về sự thận trọng của chính sách điều hành, ông Phước dẫn chứng, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình chống đô la hóa trong gần 20 năm nay. Từ năm 2003, 2004, tỉ lệ đô la hóa trong nền kinh tế là 18, 19%, thì đến năm 2015, năm 2016 tỉ lệ này chỉ còn là 11, 12%.



Ông đặt vấn đề: “Tại sao NHNN thẳng tay hạ lãi suất USD xuống 0% vào cuối năm 2015?”. Đó là vì, “Trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ phá giá, đồng USD sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm 2016 theo thông báo của Fed, thì phản ứng tự vệ về mặt chính sách của NHNN khi giảm lãi suất USD xuống 0% là điều dễ hiểu. Chính chính sách này đã giúp tỷ giá hối đoái ổn định từ đầu năm ngoái tới nay”, ông giải thích.



Tuy nhiên, với thông điệp điều hành linh hoạt mà mấy năm gần đây NHNN luôn khẳng định, thì cần nhìn nhận rằng mỗi chính sách sẽ rất nhanh chóng mất đi “vai trò lịch sử” của nó. Vì vậy, việc điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với tín hiệu của thị trường là rất cần thiết.



Lãi suất tiền gửi USD giảm về 0% là một trong những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua nhằm chống lại tình trạng đô la hóa. Trong thời gian này, bất cứ ngân hàng, TCTD nào huy động USD vượt mức lãi suất 0% đều là trái quy định.



Tuy nhiên, bất chấp quy định của NHNN, vẫn có không ít ngân hàng thuyết phục khách hàng gửi USD bằng cách “lách” trần lãi suất, để mức lãi suất “thực” mà khách hàng nhận được là khác 0%. Hiện tượng này đã được ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN thừa nhận tại cuộc họp với nhóm ngân hàng có thị phần lớn.



Nhu cầu gửi và vay ngoại tệ của doanh nghiệp, cá nhân là có thực và rất chính đáng. Vậy chúng ta có nên để các ngân hàng phải “lách” trần lãi suất trái quý định để “tri ân” khách hàng gửi USD như hiện nay một số ngân hàng làm không? Hay chúng ta nên có một vài điều chỉnh trong chính sách để vừa đáp ứng được nhu cầu về tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp, lại vừa duy trì được tỉ lệ USD hóa ổn định?



NGUYỄN THOAN







Theo stockbiz.vn