Từ đầu năm 2016, tổng tài sản khối ngân hàng thương mại Nhà nước liên tục giảm và đến cuối tháng 2 còn gần 3,3 triệu tỷ đồng.



Số liệu về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo đó, tổng tài sản của hệ thống tăng 0,74% và đạt 7,37 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi tất cả các loại hình tín dụng khác đều tăng trưởng về tổng tài sản thì tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước lại "bốc hơi" 4.278 tỷ đồng (khoảng 0,13%) so với đầu năm và đến hết tháng 2 còn gần 3,3 triệu tỷ.



Thống kê năm 2015 cũng từng ghi nhận một tháng tổng tài sản của khối quốc doanh giảm là vào cuối tháng 4/2015. Nhưng khi đó, đây là tình hình chung do toàn hệ thống sụt giảm 1,09% và diễn biến này cũng xuất hiện tại các khối khác như ngân hàng cổ phần và liên doanh nước ngoài.



Do đó, việc khối ngân hàng do Nhà nước nắm sở hữu giảm tài sản trong các thống kê gần đây được nhiều chú ý. So với trước đây, hiện số lượng các ngân hàng thương mại Nhà nước đã bổ sung thêm 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank và CBank). Sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, các đơn vị này được chuyển đổi từ ngân hàng thương mại cổ phần sang Ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc khối này "gánh" thêm các nhà băng yếu kém cũng khiến các chỉ tiêu tài chính không tăng trưởng như trước.



Về vốn tự có, toàn hệ thống đến hết tháng 2 tăng 0,73% và duy nhất khối ngân hàng cổ phần bị sụt giảm. Vốn điều lệ của các ngân hàng Nhà nước cũng không có sự thay đổi so với đầu năm trong khi tại nhóm cổ phần tăng nhẹ.



Số liệu lần này cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng quốc doanh là 33,91% trong khi tại nhóm cổ phần là 35,58%. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36, các ngân hàng chỉ được phép dùng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.



Thanh Thanh Lan







Theo stockbiz.vn