Tín hiệu xấu của nền kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại trong tháng Tư sau khi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng đột ngột giảm 1,8% so với cùng kỳ, trái ngược với mức tăng 11,5% trong tháng Ba.



Theo các nhà phân tích, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư giảm do nhu cầu ảm đạm tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và cho thấy các biện pháp kích thích của chính phủ chưa thể đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi tình trạng giảm tốc.



Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm qua, (Chủ nhật ngày 8/5) cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 172,7 tỷ USD, trái ngược với mức tăng 11,5% trong tháng Ba.



Đồng thời với đó, nhập khẩu trong tháng 4 cũng giảm mạnh hơn dự kiến khi giảm 10,9% xuống 127,2 tỷ USD so với mức giảm 7,6% trong tháng Ba.



Ding Shuang, nhà kinh tế học tại Standard Chartered, nhận định nhu cầu toàn cầu vẫn chưa cải thiện đáng kể, mặc dù ông cho rằng mọi chuyện dường như có vẻ tốt hơn.



Tuy vậy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn tiếp tục vật lộn với nhu cầu ảm đạm. Xuất khẩu sang Mỹ trong tháng Tư đã giảm 9,3% so với cùng kỳ, trong khi đó xuất khẩu sang Đông Nam Á tăng 6,4% và sang EU tăng 3,2%. Cũng trong tháng 4/2016, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 xuống 3,2% từ 3,4% trước đó, lần hạ dự báo thứ 2 trong năm nay.



Zhou Hao, nhà kinh tế học tai Commerzbank AG, cho rằng, không có nhiều hy vọng về sự hồi phục nhu cầu trên thế giới. Theo chuyên gia kinh tế này, đà hồi phục trong tháng Ba chỉ mang tính nhất thời. Ông cũng cho rằng thị trường cần chuẩn bị sẵn sàng trước các số liệu đáng thất vọng khác của Trung Quốc và việc điều chỉnh thị trường là không thể tránh khỏi.



Trong tháng Ba, lần đầu tiên sau 9 tháng chỉ số sản xuất của Trung Quốc đã tăng trở lại cho thấy biện pháp kích thích tiền tệ, tài khóa của chính phủ đã phát huy tác dung.



Chỉ số Nhà quản Trị mua Hàng lĩnh vực sản xuất (PMI) trong tháng Ba của Trung Quốc tăng lên 50,2 điểm, cao hơn so với dự đoán 49,4 điểm của các chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Bloomberg. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. Trong khi đó, chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất tăng lên 53,8 điểm so với 52,7 điểm trong tháng 2/2016.



Bảo Trâm







Theo stockbiz.vn