TP -
Hôm nay (12/11), tại Hà Nội, 64 giáo viên công tác ở các điểm trường lẻ thuộc các huyện nghèo trên cả nước tề tựu trong Lễ tuyên dương giáo viên cắm bản tiêu biểu năm 2015. Đây là những gương sáng về nghị lực và tâm huyết với sự nghiệp gieo chữ nơi lưng chừng trời.


[IMG]//images.tienphong.vn/Uploaded/baogiay002/2015_11_12/14b_LYIS.jpg.ashx?w=440&h=250&crop=auto[/IMG]
Thầy giáo Chang Xá Phạ bên bữa cơm đạm bạc cùng học trò. Ảnh: Xuân Tùng



<strong style=''>“Bắc cầu kiều” [/B]<strong style=''>trên cao nguyên đá[/B]
Cô giáo Nguyễn Thị Thêu (quê Ninh Bình) đã có 20 gắn bó với điểm trường lẻ, với hàng nghìn học sinh xứ sở đá tai mèo tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cô Thêu cho hay, lên Hà Giang dạy học là lần xa nhà đầu tiên, cũng là lần đầu tiên biết đến vùng cao.
Ngày đầu lên Trường Tiểu học Lũng Thầu nhận công tác, cô Thêu không khỏi rùng mình khi đối diện con đường mòn vắt ngược lên đỉnh núi với tên gọi Dốc Tám Hào và từ điểm trường chính vào điểm lẻ phải men theo khe núi đá.
“Điểm trường nằm một bên sườn núi, được rào xung quanh bằng những cành trúc. Lớp học vẫn tạm bợ mái lá, tứ bề hở hoang hoác. Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Nhà lưu trú của giáo viên thấp lụp xụp, buổi tối thắp đèn dầu soạn giáo án”, cô Thêu nói.
Giữa trập trùng núi đá, cô giáo người Kinh phải làm quen với cuộc sống biệt lập thiếu thốn và xa lạ với ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân cư đa phần là người dân tộc Mông. Đời sống đồng bào nghèo khó, dân trí thấp và còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu nên nhiều gia đình không cho trẻ đến trường. Ngay đời sống của giáo viên cũng thiếu thốn khi chợ mở theo phiên và cách xa cả ngày đường, do đó, mỗi lần mua, phải tích trữ cả tuần.
Sau những giờ lên lớp, cô Thêu lại xuống nhà dân vừa tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng vừa vận động trẻ nhỏ đến trường. Từ điểm lẻ có ít học sinh sau hai năm cô Thêu đứng lớp, đã có nhiều trẻ đi học đông đủ và đọc thông viết thạo. Năm 2006, theo sự luân chuyển công tác trong huyện, cô Thêu chuyển về Trường Tiểu học Phố Cáo và giảng dạy tại Sảng Pả - điểm trường giáp đường biên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Dù dân cư ở tập trung, song đời sống còn nhiều khó khăn, nên người dân chưa ý thức cao trong việc cho con đến trường; có lớp tổng số 15 học sinh, chỉ duy nhất một em đi. Nhờ kinh nghiệm và sự nhiệt tình của cô giáo Thêu, các lớp học tại điểm trường Sảng Pả luôn đông đủ học sinh.
Nhiều năm liền, các lớp do cô chủ nhiệm, học sinh đều đoạt giải trong các cuộc thi. Năm nào cũng có học sinh đoạt giải nhất, nhì cấp trường, cấp phòng về cuộc thi chữ đẹp và các cuộc thi giao lưu cụm trong huyện.
Cũng có gần 20 năm đứng lớp tại điểm trường vùng cao, cô giáo Hoàng Thị Hương (dân tộc Mông) đã dạy chữ và gieo ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh ở huyện nghèo Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô Hương được phân công về điểm lẻ Phia Viềng thuộc Trường Tiểu học Thị Xuân tại xã Đa Thông có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Điểm trường cách nhà cô hơn 10 cây số đường cái cộng thêm hơn 1 giờ đi bộ leo dốc đá.
“Để leo được dốc đá đến điểm trường, phải đi giày bata vào những hôm khô ráo, còn mưa phải đi ủng. Đường sá cách trở nên thời gian đầu, một tháng tôi mới về thăm nhà một lần”, cô Hương cho hay.
Bằng nghị lực vượt khó và tâm huyết với nghề, cô Hương đã dìu dắt và nuôi dưỡng mơ ước cho nhiều thế hệ học sinh. Cùng với việc truyền dạy kiến thức, cô còn thường xuyên nói chuyện với học sinh về mơ ước, cuộc sống, phong tục...
Cô Hương cho hay, từ những buổi nói chuyện thân mật như vậy, các em trở nên gần gũi, thích chia sẻ mọi việc và tỏ ra chăm chỉ, nỗ lực học hành hơn trước rất nhiều. Sau những nỗ lực của cô và trò, nhiều học sinh đạt được thành tích cao tại các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh. Em Dương Văn Đoàn và Hoàng Thị Tới đạt giải nhất Hội thi kể chuyện cấp huyện, giải nhì toàn đoàn Hội thi kể chuyện cấp tỉnh, giải ba viết chữ đẹp cấp huyện, cấp tỉnh.
Dù phân trường thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng lớp 2 do cô chủ nhiệm vẫn đoạt giải Nhất toàn trường cuộc thi “Tiếng Việt của em”. Với những cống hiến quên mình, cô được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các ban, ngành, đoàn thể địa phương.
Thầy giáo làm bí thư <strong style=''>chi bộ bản người La Hủ[/B]
Thầy giáo người Hà Nhì - Chang Xá Phạ (SN 1986) đã có 4 năm gắn bó cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào và “cắm lớp” gieo chữ ở huyện nghèo Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm năm 2011, thầy Phạ được phân công dạy ở điểm trường Nhóm Pó thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tá Bạ (xã Tá Bạ, huyện Mường Tè) - cách trung tâm xã gần 40km đi bộ. Năm 2013, được điều động sang Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè), thầy Phạ xung phong đứng lớp tại bản nghèo Là Si, cách trung tâm xã hơn 5 giờ vượt đèo, lội suối.
Ngày đầu lên lớp ở bản La Si, thầy Phạ không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh tuềnh toàng vỏn vẹn hai chiếc bàn gỗ mối mọt của phòng học. Thầy kể: “Sau khi dọn vệ sinh lớp học, tôi chờ học sinh đến trong tâm trạng bồi hồi, mong sẽ nhìn thấy các em học sinh ríu rít dắt tay nhau đến trường.
Nhưng đợi mãi gần nửa buổi sáng mà không thấy em nào đến lớp”. Để biết được nguyên nhân học sinh bỏ học, thầy mất gần một tháng gắn bó và học tiếng La Hủ của dân bản. Sẻ chia khó khăn và khuyến khích học sinh đến lớp, thầy Phạ đề xuất nhà trường vận động đồng nghiệp quyên góp ủng hộ quần áo.
Lớp học thầy Chang Xá Phạ không chỉ rộn vang tiếng trẻ học bài mà hằng tối còn sáng đèn dạy chữ cho dân bản. Cùng với con cháu, không ít người lớn tuổi trong bản bắt đầu bài học i - tờ đầu tiên. Gia đình ông Lỳ Phì Po (an ninh viên bản Là Si) cùng 6 người con tham gia lớp xóa mù chữ, ngoài ra có 4 cháu học tiểu học. Ông Po bảo, trước không có điều kiện đi học, giờ muốn học cái chữ để biết cái mới, cái tiến bộ và động viên con cháu.
Bên cạnh việc dạy chữ, thầy Phạ thường xuyên tranh thủ thời gian tham gia hướng dẫn người dân trong bản chăn nuôi, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, kế hoạch hóa gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội. Thầy Phạ được nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” nhiều năm liền từ 2012 đến nay. Được sự tín nhiệm và yêu mến của dân bản, năm 2013, thầy được bầu làm Bí thư chi bộ xã La Si.

Chiều 11/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Tập đoàn Thiên Long tổ chức gặp mặt 64 giáo viên cắm bản tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015. Tại chương trình, ban tổ chức trao tặng mỗi thầy cô sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, trao tặng 280 chăn ấm (tổng trị giá 56 triệu đồng) cho học sinh mầm non tại 14 điểm trường tại các huyện nghèo trên cả nước.




Theo tienphong.vn