Việc thoái vốn của SCIC ra khỏi 10 doanh nghiệp (DN) mới là quyết định, còn đường đi như thời điểm, phương thức thoái vốn và tiêu chuẩn của nhà đầu tư… được chọn lựa vẫn còn là bí mật. Với số vốn lớn, tỷ lệ sinh lời cao, chắc chắn việc thoái vốn đang rất được chờ đợi.



“Vì vậy, khi “con bò tỷ đô” ra sàn, nhà đầu tư cần chớp cơ hội ngay, chần chừ lưỡng lự sẽ mất cơ hội”, theo đánh giá của Ts.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).



Trong 10 DN được chỉ đạo thoái vốn, SCIC đang nắm 45,1% vốn tại Vinamilk , nếu tính giá hiện hành thì SCIC đang nắm 2,5 tỷ USD tại đây. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng chiếm 77% giá trị vốn hóa của tất cả các công ty nhà nước mà SCIC đang quản lý.



Mỗi năm, Vinamilk mang về cho SCIC hàng nghìn tỷ đồng cổ tức, năm 2014 là 2.164 tỷ đồng và 2.700 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2015. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng SCIC không dễ “bỏ con gà đẻ trứng vàng” và động thái thoái vốn chỉ mang tính kỹ thuật, nghe ngóng thị trường.



Sớm hay muộn cũng sẽ lên sàn



Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời điểm thoái vốn chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2015 – 2016, bởi kế hoạch tái cơ cấu các DNNN đến hết 2015 là kết thúc. Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi 10 DN lớn tỷ đô là nhằm dành tiền cho trả nợ, chi đầu tư phát triển… do đó, trong bối cảnh ngân sách cần tiền, bội chi lớn, việc thoái vốn khỏi Vinamilk và 9 DN khác sẽ sớm được thực thi.



Theo tiến sĩ kinh tế Vũ Đình Ánh, thoái vốn khỏi Vinamilk hoàn toàn không là biện pháp kỹ thuật mà là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ: “SCIC là nhà đầu tư, nhưng đây là nhà đầu tư vốn nhà nước, nên phải tuân thủ quy định và chính sách của Nhà nước”.



Ông Ánh nói thêm: “Việc thoái vốn tại các DN không cần nắm giữ vốn nhà nước vừa là chủ trương cơ cấu lại DNNN, vừa bổ sung vào ngân sách cho chi đầu tư bởi từ năm 2015 trở đi, chi cho đầu tư của Việt Nam được dự báo sẽ khó khăn do gánh nặng của nợ công, nợ nước ngoài đến hạn phải trả tăng cao, ăn hết vào phần chi ngân sách. Việc có vốn để chi đầu tư là cần thiết, chính vì vậy, theo tôi việc thoái vốn của SCIC tại 10 DN trên sẽ sớm được triển khai trong năm 2015 và chậm nhất là sang đầu năm 2016”.



Theo Ts. Trần Du Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. HCM: “Mỗi năm chúng ta thu hàng nghìn tỷ đồng từ các “ông lớn” trên. Tuy nhiên, đó là phần vốn ăn sẵn của Nhà nước, nếu cứ giữ, chúng ta sẽ không có được lợi thêm cho thị trường, cho người lao động”.



Việc SCIC thoái vốn khỏi 10 DN không chỉ gây chú ý về số vốn lớn được tung ra thị trường mà còn là cơ hội đầu tư của nhiều nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước. Trong 10 DN trên, hiện đã có 8 DN được cổ phần hóa, có nhà đầu tư ngoại…



Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC): “Nếu muốn sở hữu 10% cổ phần của Vinamilk, DN nội phải có 10.000 tỷ đồng, với số tiền lớn vậy, DN ngoại có năng lực hơn nhà đầu tư nội”.



Bán cho ai, bán như thế nào?



Nhiều chuyên gia cho hay, cần huy động thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài mới có cơ hội gia tăng phần vốn bán ra được. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN đều đã có nhà đầu tư ngoại room cho vốn ngoại đã chạm trần, rất khó để có thể huy động thêm.



“Nếu nới room tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại tăng lên 12 – 15% giá trị cổ phiếu bán ra, lúc đó, chúng ta sẽ không chỉ thu hút được 3 tỷ USD mà còn có thể thu về số tiền nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, có thể có giải pháp chọn nhà đầu tư chiến lược để phát triển ra thị trường quốc tế”, ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia phân tích Chứng khoán cho biết.



Tuy nhiên, Ts. Nguyễn Đình Cung lại cho rằng: “Không nhất thiết phải nhà đầu tư ngoại mới chất lượng, giá mới cao.Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu vốn, không thiếu nhà đầu tư có năng lực. Với tầm vóc cỡ Vinamilk và triển vọng kinh doanh như hiện nay, nếu đấu giá công khai, minh bạch, nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể mua được cổ phiếu của 10 DN trên và số tiền thu về không chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD mà chắc chắn còn hơn”.



Mặc dù chủ trương thoái vốn đã được quyết định, song phương thức bán, thời hạn bán cũng như tiêu chuẩn nhà đầu tư vẫn chưa được công khai. Theo các chuyên gia kinh tế, có thể thực hiện một trong hai cách: Với DN đã niêm yết, thực hiện khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận ngoài sàn. Còn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, có thể đấu giá công khai theo lô một phần hoặc toàn bộ.



Các DN thoái vốn đang hoạt động rất tốt. Vì vậy, phải làm sao để người mua không tạo ra độc quyền, không gây thiệt hại cho thị trường. “Người ta mua doanh nghiệp đang tốt, nhưng sau đó họ có thể khiến DN đó bị thôn tính và mất đi những ưu điểm trước đó”, ông Cung lo ngại.









T.s Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Chúng ta đã có kinh nghiệm cổ phần hóa, các DN này lại “có giá” trên thị trường nên bán kết nối (bán qua sàn) hoặc bán đấu giá đều được, đều phụ thuộc vào mục đích của chúng ta. Nếu bán khớp lệnh sẽ có nhiều đối tượng muốn mua và nhiều người được hưởng lợi. Còn đấu giá trên sàn ít người hơn, Nhà nước thu vốn nhanh hơn nhưng những nguy cơ thôn tính là có thể xảy ra. Chúng ta nên lựa chọn nhiều hình thức, đa dạng hơn để có những phương án phù hợp với mục tiêu và thời điểm thực hiện.



<strong style='line-height: 20.8px;'>T.s.Trần Du Lịch Đại biểu Quốc hội Tp. HCM[/B]



Các DN thoái vốn lần này đều là những ông lớn, “con gà đẻ trứng vàng” của Nhà nước. Nếu giữ lại, ngồi chơi chúng ta cũng có hàng nghìn tỷ trong tay mỗi năm. Tuy nhiên, nếu trước thời điểm cổ phần hóa Vinamilk những năm trước đây, chúng ta thấy Vinamilk có: quy mô nhỏ bé, kỹ thuật lạc hậu, thị trường eo hẹp… Tuy nhiên, sau khi cổ phần, quy mô của Vinamilk đã tăng lên gấp 4 lần và thị trường được hưởng lợi, người tiêu dùng được lợi. Sau khi chúng ta bán “con gà đẻ trứng”, chúng ta sẽ thu lợi hơn từ thuế, người lao động có thêm việc làm và thị trường sẽ tốt hơn. Đó là lợi ích chứ không phải là trông chờ vào mỗi năm, SCIC được chút ít cổ tức để rồi lưỡng lự, chần chừ không bán.



Ts. Nguyễn Văn Dũng Phó Viện trưởng Viện – Viện Phát triển Kinh tế Miền Đông (Viện EED)



Đối với Vinamilk, đây là công ty có hoạt động kinh doanh tốt và sẽ càng tốt hơn nữa nếu các cổ đông có kinh nghiệm trong ngành sữa. Nhưng giá và cơ chế bán vốn như thế nào vẫn là vấn đề ưu tiên. Đồng thời, Vinamilk sẽ giúp cho SCIC tìm nhà đầu tư tiềm năng trong ngành vì không ai hiểu ngành sữa bằng chính họ. SCIC chỉ cần thiết lập các tiêu chí, lộ trình và giám sát quá trình thoái vốn.







Lê Thúy








Theo stockbiz.vn