Thanh khoản cũng như giá cổ phiếu tăng mạnh trong những phiên gần đây song các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng trước áp lực chốt lời tại blue-chip ngành sữa.



Chốt phiên 20/10, cổ phiếu của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) tăng tiếp 1.000 đồng trên sàn TP HCM, đứng ở 112.000 đồng một cổ phiếu. Như vậy trong vòng một tuần kể từ khi thông tin về việc Nhà nước sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Vinamilk, cổ phiếu này đã tăng xấp xỉ 10% và từng chịu áp lực chốt lời lớn trong phiên hôm nay khi chạm mốc 114.000 đồng một cổ phiếu.



Cùng với giá, thanh khoản VNM cũng tăng mạnh trong những phiên gần đây khi đạt trung bình hơn một triệu chứng khoán được sang tay mỗi phiên, so với mức bình quân chưa tới 200.000 đơn vị trong 9 tháng đầu năm 2015. Riêng trong phiên 14/10, ngay sau khi thông tin thoái vốn được công bố, khối lượng giao dịch mã này đã tăng lên hơn 2 triệu cổ phiếu.



VNM không phải là cổ phiếu duy nhất hưởng lợi từ thông tin nêu trên, khi mà cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết khác nằm trong danh mục sẽ được Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn như BMI, BMP, FPT, NTP... cũng tăng giá 4-23% trong cùng khoảng thời gian nêu trên. Tuy nhiên, việc chiếm gần 2,5 tỷ USD trong danh mục đầu tư gần 3 tỷ USD của SCIC trong danh sách nêu trên khiến khoản thoái vốn tại doanh nghiệp này được nhà đầu tư đặc biệt chú ý.



Bên cạnh đó, theo nhận định của giới chuyên gia, giá cổ phiếu VNM tăng mạnh trong những phiên gần đây là bởi kỳ vọng Chính phủ sẽ cho phép nới room ngoại tại Vinamilk, vốn luôn chật chội ở mức 49% hiện nay.



Trả lời Bloomberg ngày 19/10, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Vinamilk xác nhận doanh nghiệp mong muốn nới room ngoại không chỉ vì tài chính, mà còn nhắm tới kinh nghiệm quản trị của các đối tác nước ngoài.



Hãng tin này còn cho biết Vinamilk đã tổ chức các buổi roadshow gặp gỡ nhà đầu tư tại Singapore và Mỹ và sắp tới tại Châu Âu trong năm 2015. Trong khi đó, theo nguồn tin riêng VnExpress, hiện đã có 2 tập đoàn sữa lớn của Mỹ đã sẵn sàng cho mua lại cổ phần mà SCIC sẽ thoái tại VNM, trong trường hợp room được nới.



Đánh giá về những diễn biến này, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng quyết định bán vốn Nhà nước cũng như đà tăng giá của cổ phiếu VNM là những tín hiệu tốt cho thị trường, vốn khá trầm lắng trong thời gian qua.



Trong khi đó, theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường Công ty chứng khoán Vietcombank (VCSC), việc mở cửa nhiều hơn cho tư nhân, và có thể là khối ngoại, vào Vinamilk có thể thay đổi cách làm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành sữa Việt được đánh giá sẽ gặp bất lợi. Việc thoái vốn này với sự tham gia của các đối tác ngoại có thể đưa Vinamilk từ doanh nghiệp đầu ngành sữa ở Việt Nam đến dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.



Tuy vậy, ở góc độ thị trường, trong trường hợp bán vốn tại Vinamilk không đi kèm với nới room ngoại, các chuyên gia cho rằng con số 2,5 tỷ USD có thể quá quá lớn với sức hấp thụ của thị trường. 'Việc thoái vốn này buộc phải có sự tham gia của khối ngoại. Nó sẽ thu hút một dòng tiền mới, làm thị trường sôi động và có xu hướng tăng điểm tích cực', ông Trần Minh Hoàng nhận định.



Trong ngắn hạn, mặc dù trên thị trường xuất hiện nhiều đồn đoán về đà tăng của cổ phiếu VNM, song theo giới phân tích, nhà đầu tư nên bớt hưng phấn với 'cơn sốt' này, bởi giá cổ phiếu VNM đã ở mức đỉnh trong vòng 2 năm qua. Trên thực tế, trước phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu này cũng từng chịu áp lực chốt lời lớn khi kết phiên 19/10, dù thanh khoản đạt 1,2 triệu cổ phiếu, song dư bán trên sàn TP HCM vẫn còn lại hơn 1,4 triệu đơn vị.



Bạch Dương










Theo stockbiz.vn