Một sự kiện hi hữu vừa xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam là sự nhầm lẫn đáng tiếc đến từ khối ngoại. Trong lần công bố Review danh mục ngày 12/09/2015, các quỹ ETF dự kiến đưa cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam vào danh mục.



Để đón đầu sự kiện trên, nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào, kéo cổ phiếu này tăng trần hai phiên liên tiếp. Đến chiều 15/9, quỹ ETF V.N.M chính thức loại cổ phiếu BID khỏi danh mục, tạo thành làn sóng bán tháo cổ phiếu này.



Sự nhầm lẫn đáng tiếc?



Tuần trước, ETF VNM quyết định thêm BID vào danh mục khi hội đủ các tiêu chí về thanh khoản, vốn hóa và freefloat. Theo đó, quỹ này sẽ mua thêm cổ phiếu BID với tỷ trọng 8%, tương đương khoảng 30 triệu cổ phiếu.



Tuy nhiên, sự loại bỏ cổ phiếu BID được đổ lỗi cho việc tính toán sai là sự kiện chưa từng có trên trường. Thiệt hại lớn nhất thuộc về nhà đầu tư đu trần mua vào hàng triệu cổ phiếu trong những phiên vừa qua, giờ lại chịu thua lỗ rất lớn.



'Cú choảng' rất nặng từ VNM ETF đã ảnh hưởng tiêu cực lên cổ phiếu BID, chiều 16/9, quỹ FTSE VietNam đã bồi thêm cú nữa là không đưa cổ phiếu BID vào danh mục khiến cho cổ phiếu này bị bán tháo mạnh hơn.



FTSE Vietnam Index cũng đã loại BID ngay tức khắc. Theo FTSE, tỷ trọng có thể đầu tư của BID được xác định là 5% nên không đủ tiêu chuẩn để được đưa vào danh mục hai chỉ số của FTSE Vietnam Index Series.



Theo các chuyên gia, việc VNM loại bỏ cổ phiếu BID khỏi danh mục là do đã tính toán nhầm lẫn về số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do (final float shares) của BID. Số lượng cổ phiếu float này được ETF VNM tính bằng công thức lấy 3,41 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, trừ đi số lượng cổ phiếu nắm giữ của nhà nước tại BID là 2,69 tỷ cổ phiếu: Final float shares = 3,41 – 2,69 = 0,72 tỷ cổ phiếu.



Tương đương tỷ lệ cổ phiếu được giao dịch tự do (freefloat) của BID theo ETF VNM tính trước đây là 0,72/3,41 = 21%. Với mức freefloat 21% này (lớn hơn mức tối thiểu 5% mà ETF VNM đặt ra), việc ETF VNM quyết định thêm BID vào danh mục là điều hoàn toàn dễ hiểu do BID đủ các tiêu chí về thanh khoản, vốn hóa và freefloat.



Sự nhầm lẫn ở đây là ở chỗ, con số 3,41 tỷ cổ phiếu mà ETF VNM lấy để tính toán freefloat là số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cổ phiếu lưu hành của BID trên thị trường chỉ có 2,81 tỷ cổ phiếu vì 337 triệu cổ phiếu hoán đổi của MHB vẫn chưa niêm yết và 276 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ gần 8,6% vẫn chưa lưu hành.



Như vậy, số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do thực tế của BID là = 2,81 tỷ cổ phiếu – 2,69 tỷ cổ phiếu = 120 triệu cổ phiếu. Tương đương tỷ lệ freefloat thực tế của BID là 0,12/2,81 = 4,2%, nhỏ hơn tỷ lệ free float tối thiểu để được thêm vào danh mục của ETF VNM.



Cổ phiếu nào hưởng lợi?



Cổ phiếu BID đang từ ngôi sáng trên bầu trời chứng khoán bỗng vụt tắt trong cay đắng. Trong phiên giao dịch ngày 15/9, cổ phiếu BID đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 9,1 triệu cổ phiếu, trong đó 74% lực cầu đến từ khối ngoại, chiếm khoảng 12% thanh khoản của toàn thị trường.



Sang phiên ngày 16/9, khi có thông tin chính thức cổ phiếu BID bị loại bỏ khỏi danh mục thì số lượng cổ phiếu bị bán sàn cũng lên tới hàng triệu cổ phiếu. Đến phiên ngày 17/9, BID bị xả hàng mạnh. Bất cứ lệnh mua nào tung ra cũng được lệnh bán đang trực sẵn để khớp lệnh. Chính vì thế mã này giảm hết biên độ 1.800 đồng, xuống 24.800 đồng/cổ phiếu. Bên dư mua trống trơn trong khi dư bán còn rất nhiều.



Điều này chứng tỏ, niềm tin của nhà đầu tư vào quỹ ngoại bắt đầu sụt giảm hoặc sự thay đổi chóng vánh là cú lừa ngoạn mục của quỹ ngoại trên thị trường chứng khoán VN.



Với việc không thêm BID vào danh mục thì nhiều cổ phiếu khác sẽ tăng tỷ trọng. Theo tính toán sơ bộ, VNM ETF sẽ mua khoảng 15 triệu cổ phiếu NT2 và hơn 6 triệu cổ phiếu HAG. Các cổ phiếu sẽ được mua trên 1 triệu đơn vị là STB, FLC, SHB và KDC. Ngược lại, VNM ETF sẽ bán DRC, gần 10 triệu cổ phiếu VCG, hơn 3 triệu cổ phiếu VIC và hơn 1 triệu cổ phiếu VCB.



Việc quỹ ETF do Van Eck quản lý công bố thêm một cổ phiếu vào danh mục rồi loại ngay cổ phiếu là chưa có tiền lệ trên thị trường VN. Tuy nhiên, sau trường hợp đầu tiên của cổ phiếu BID, nhà đầu tư Việt Nam cũng nên làm quen với cách làm này của Van Eck.



Do không thêm BID vào danh mục, VNM ETF sẽ không cần phải bán hàng loạt cổ phiếu mà thay vào đó sẽ mua thêm tại rất nhiều mã, trong đó HAG sẽ được mua mạnh nhất. VCG là mã bị bán mạnh nhất, lên tới 9,7 triệu cổ phiếu. VIC và VCB cũng sẽ bị bán bớt do tỷ trọng vượt quá 8%.



Các tổ chức có kinh nghiệm như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… thường đưa ra dự đoán về ETF từ rất sớm. Dựa trên những dự đoán này, nhà đầu tư có thể mua hoặc bán cổ phiếu từ trước khi kết quả điều chỉnh được công bố.



Nếu kết quả điều chỉnh là đúng so với dự đoán, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận ngắn hạn trong tuần ETF mua bán theo danh mục mới. Tuy nhiên, điều này gây nên rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu quyết định đón đầu ETF có thể mua hoặc bán không chính xác. Thậm chí, nếu nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng phán đoán sai, khi đó lượng cung lớn trong ngắn hạn có thể khiến giá cổ phiếu giảm.



Lê Thuận










Theo stockbiz.vn