Lộ trình thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đã bước vào năm cuối và nhà điều hành đang rốt ráo thực hiện để cuộc đua về đích.



Những câu chuyện liên quan đến việc sáp nhập, các ngân hàng có vốn hàng nghìn tỷ được mua lại với giá chỉ 0 đồng hay các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo và xử lý nợ xấu là những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn “nước rút” này.



Đó là những vấn đề mấu chốt để cuộc “đại tu” hệ thống ngân hàng Việt Nam về đích đúng thời hạn.



Với ý nghĩa đó, TTXVN xin giới thiệu loạt bài “Ngân hàng sang trang mới.”



Bài 1: Rốt ráo về đích



Nhìn lại 4 năm trở về trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhiều chuyên gia ví von như một cỗ máy hoạt động quá công suất trong một thời gian dài và đến lúc cần bắt tay vào cuộc 'đại tu.'



Và sau hơn 3 năm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, ngành ngân hàng Việt Nam dường như đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và đang đi đúng hướng.



Các nhà quản lý cũng như giới chuyên gia đều nhìn nhận kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại là điểm sáng hơn cả trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua.



Điểm sáng trong bức tranh tái cơ cấu



Ngay từ cuối năm 2011 khi có chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và đã được ban hành ngay trong tháng 2/2012, sớm nhất trong số 3 đề án trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.



Đề án được Ngân hàng Nhà nước xây dựng có lộ trình, bước đi cụ thể và thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã và đang bám sát theo đúng lộ trình cũng như các giải pháp.



Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khá quyết liệt nhưng tiến trình tái cơ cấu còn chậm và còn nhiều việc cần phải làm để lộ trình tái cơ cấu về đích đúng thời gian. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phát đi những thông điệp mạnh mẽ thể hiện quyết tâm cao khi cuộc “đại tu” đang đi vào chặng cuối của lộ trình.



Tư lệnh ngành ngân hàng nêu rõ, mục tiêu chung là triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm nay, đến cuối năm tất cả những nội dung cơ bản của Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2015 sẽ được thực hiện.



“Có rất nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập, một số ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước mua lại. Trong các ngân hàng sáp nhập, có cả những ngân hàng đang khỏe mạnh sáp nhập với nhau để tạo một ngân hàng có quy mô lớn hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn. Hy vọng trong năm 2015 sẽ xử lý khoảng 6-8 ngân hàng,” Thống đốc nói.



Với tinh thần đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt xử lý 3 ngân hàng bị âm vốn gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).



Để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của các ngân hàng này với giá 0 đồng/cổ phần.



Cũng thực tế từ đầu năm đến nay, không chỉ các ngân hàng trong diện bắt buộc tái cơ cấu mà ngay cả những ngân hàng đang hoạt động tốt cũng ráo riết thực hiện kế hoạch này. Nhiều ngân hàng đã chủ động nâng vốn điều lệ để đảm bảo an toàn về tài chính.



Cụ thể, MB đã tăng vốn lên 16 nghìn tỷ đồng. Trước đó SHB đã tăng vốn từ mức 8.865 tỷ đồng lên 10.486 tỷ đồng. VPBank cũng tăng vốn từ 7.324 tỷ đồng lên mức 8.458 tỷ đồng… Còn các ngân hàng lớn sau khi sáp nhập vốn điều lệ tăng lên đáng kể.



VietinBank có vốn điều lệ hơn 40.200 tỷ đồng sau khi nhập PGBank vào, BIDV sau khi hoàn thành sáp nhập MHB, số vốn điều lệ ngân hàng này cũng tăng thêm 3.369 tỷ đồng đạt 31.481 tỷ đồng.



Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, tình hình tái cơ cấu trong thời gian qua đã triển khai rất hiệu quả và đã đạt được những kết quả tích cực.



Các tổ chức tín dụng đang được hoạt động trong môi trường bền vững hơn, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất liên tục có xu hướng giảm, đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.



“Tôi cho rằng quyết sách của Ngân hàng Nhà nước thể hiện tầm nhìn dài hạn, có tính minh bạch, rõ ràng. Chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện có tính mục tiêu rất cao. Qua đó, các tổ chức tín dụng dù ở trong thực trạng năng lực tài chính nào thì qua đó cũng xác định được cho mình kế hoạch tái cơ cấu rất cụ thể,” ông Trần Phương nói.



Tư duy và hành động đều thay đổi



Thực tế đã cho thấy, trong quá trình tái cơ cấu, hầu hết các phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Và đó là dấu hiệu tích cực.



Ông Trần Phương nhận định, một tín hiệu rất tốt trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây đó là quá trình mua bán, sáp nhập đã diễn ra một cách tự nguyện, khẩn trương. Nếu như trước kia, việc này thường có sự suy tính và thậm chí là phải có yêu cầu của cơ quan quản lý, thì nay các tổ chức tín dụng đã tự tìm đến nhau và đã tìm được những sự cộng hưởng để giúp cho quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ phát huy được hiệu quả của ngân hàng sau sáp nhập.



Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, thời gian đầu, một số tổ chức tín dụng còn lẩn tránh, tuy nhiên, với những lợi ích thiết thực mà tái cơ cấu mang lại, những minh chứng thực tiễn có sức thuyết phục và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã thay đổi nhận thức và đã chủ động, tích cực, coi tái cơ cấu không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để hoàn thiện chính mình.



“Sự thay đổi về tư duy dẫn đến thay đổi về hành động của các tổ chức tín dụng là một thành công quan trọng góp phần đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu,” Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.



Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, trong giai đoạn đầu của chương trình tái cấu trúc, kinh tế vĩ mô còn đang bất ổn, khả năng của cả hệ thống ngân hàng còn rất hạn chế, thị trường cũng hết sức khó khăn.



“Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng chưa làm được nhiều, mới chỉ tập trung vào các ngân hàng yếu kém với nguyên tắc tự nguyện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, tình hình đã có những chuyển biến hết sức tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, năng lực của Ngân hàng Nhà nước đã được nâng lên rất nhiều, đủ sức để xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn,” người đứng đầu ngành ngân hàng nói./.





ĐỖ HUYỀN












Theo stockbiz.vn