Ngân sách đang túng quẫn, trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn buộc các ngân hàng phải tăng năng lực tài chính và quản trị. Đây là lý do Vietcombank, Vietinbank cùng muốn nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu và nâng tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.



Tại hội thảo mới đây về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trịVietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, vừa có kiến nghị về việc Chính phủ cần có lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội từ 30-35%.



Ngân hàng Việt sẽ dễ bị tổn thương



“Với nhu cầu tăng vốn trong thời gian tới thì cũng cần xem xét tiếp tục nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần xác định lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước vì hiện nay ngân sách thì không có nếu không giảm tỷ lệ của nhà nước thì rất khó để tăng vốn”, ông Thành phân trần.



Trước đó, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết ngân hàng đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc nới room cho đối tác ngoại lên mức 30%, 35%, 40% và có thể là mức cao hơn, nhưng nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối là 51%.



Lý do ông Thọ đưa ra để thuyết phục Chính phủ và NHNN là việc nới room sẽ tác động tích cực tới Vietinbank như thu hút thêm nhà đầu tư mới, thu hút được thêm nguồn lực tài chính.



Có vẻ căng thẳng hơn, ông Thành chỉ ra một trong những điểm yếu của các ngân hàng Việt Nam khi cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài là năng lực tài chính yếu.



“Một trong những hạn chế của ngân hàng hiện nay là vốn còn nhỏ bé, mức độ đủ vốn thấp. Hệ thống tài chính còn mất cân đối khi phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Quy mô vốn còn nhỏ bé, khuôn khổ pháp lý và năng lực quản trị còn cách biệt so với khu vực khi độ mở hệ thống tài chính tăng lên sẽ dễ bị tổn thương trước các cú shock từ bên ngoài”, ông Thành bình luận.



Theo ông Thành, ở từng ngân hàng, thách thức lớn nhất là sự bất cân xứng về năng lực quản trị và năng lực tài chính. Bởi vậy, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ các ngân hàng nâng cao quy mô về vốn.



“So với các nước phát triển, hầu hết các định chế tài chính tại Việt Nam còn non trẻ đang trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi, quy mô vốn nhỏ và hiệu suất sinh lời thấp”, ông Thành phân tích.



Một giải pháp nữa được ông Thành đưa ra, đó là kiến nghị cho phép các ngân hàng TMCP Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt và sử dụng nguồn thặng dư để tăng vốn điều lệ.



Ông Thành nhận định hội nhập là yếu tố khách quan và các ngân hàng cần phải nắm bắt cơ hội này để nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách từng bước tiệm cận với những tiêu chuẩn của cơ quan quản lý, mà trước hết là Basel II.



“Theo quy định của NHNN, trước mắt 10 ngân hàng thí điểm mức độ, tiêu chuẩn vào năm 2016 và áp dụng đầy đủ vào năm 2019 với các yêu cầu về vốn khắt khe hơn. Do đó việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức quan trọng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách và nguồn lực trong nước còn hạn chế”, ông Thành bình luận.



Ngân hàng Nhà nước đang là siêu cổ đông



Một thực tế, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua không những làm giảm tỷ lệ sở hữu của NHNN đối với các NHTM mà còn tăng lên. Đây có lẽ không phải là kết quả mà thị trường mong muốn.



Cùng với việc mua 0 đồng, giám sát đặc biệt, xử lý những sai phạm trong hệ thống ngân hàng, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại hệ thống ngân hàng tăng lên. Nếu trước đây trong hệ thống ngân hàng chỉ có 5 ngân hàng là BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank, MHB thì nay có thêm 3 ngân hàng vừa bị mua 0 đồng là Oceanbank, GPBank, VNCB. Tuy vậy, thời gian qua đã sáp nhập MHB vào BIDV nên con số ngân hàng quốc doanh tăng lên 7.



Như vậy, sau 4 năm tái cơ cấu, vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đạt 449.473 tỷ đồng (tính đến 31/8/2015) trong đó, Nhà nước đang nắm giữ hơn 113.000 tỷ đồng vốn điều lệ ở 7 ngân hàng, tương đương 1/4 tổng số vốn điều lệ của hệ thống các TCTD.



Cụ thể, ở Agribank, NHNN đang sở hữu 100% vốn, tức 28.722 tỷ đồng. Tại Vietcombank, NHNN đang sở hữu 77,11% vốn điều lệ, tương đương 20.550 tỷ đồng (Vốn điều lệ của Vietcombank là 26.650 tỷ đồng). NHNN cũng đang sở hữu 64,46% vốn tại VietinBank, tương đương với 24.000 tỷ đồng trong tổng 37.234 tỷ của ngân hàng. Ở BIDV, NHNN có xấp xỉ 30.000 tỷ vốn điều lệ, tương đương tỷ lệ 95,28% (vốn điều lệ của BIDV là 31.481 tỷ đồng).



Ở 3 ngân hàng 0 đồng NHNN hiện đang sở hữu 100%, tương đương 10.000 tỷ đồng. Trong đó OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; GP.Bank có vốn 3.018 tỷ đồng và VNCB (nay là CBBank) vốn 3.000 tỷ đồng.



Ngoài ra, tái cơ cấu tại Sacombank, Eximbank cũng khiến tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đối với ngân hàng này thông qua việc nhận ủy quyền của các cổ đông.



Theo ông Thành, để bớt áp lực, NHNN nên tính đến việc mời nhà đầu tư nước ngoài vào tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn. Trong trường hợp không đáp ứng được buộc phải sáp nhập, hợp nhất thậm chí là cho phá sản.



Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng NHNN cần phải có cơ chế để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới. Đây là việc cần làm ngay để các ngân hàng có thể tiếp cận được trình độ quản trị của thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho hội nhập sâu rộng trong thời gian tới của Việt Nam.



TRẦN GIANG










Theo stockbiz.vn