Ngân hàng có 'sức khoẻ' yếu, lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu 'phình' to… là những bất lợi khi thực hiện bán cổ phần. Một số cổ phần ngân hàng hiện được rao bán với giá của rau muống, trà đá lại là chuyện đáng suy ngẫm!



Một thông tin gây chú ý là công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo bán đấu giá cổ phần giá bèo tại hai ngân hàng, bán 4.900 đồng/CP của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 4.100 đồng/CP của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).



Theo công bố, công ty DATC sẽ chào bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB với mức giá khởi điểm 4.900 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phần tối thiểu thu về khoảng 130,63 triệu đồng. Cùng thời điểm, DATC cũng bán đấu giá 24.662 cổ phần SCB với giá khởi điểm 4.100 đồng/CP, dự kiến thu về tối thiểu 101,11 triệu đồng.



Chào bán giá bèo



Xét về quy mô, khối lượng cổ phần đấu giá của hai ngân hàng này khá nhỏ so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Tính đến ngày 30/6/2015, ngân hàng OCB có vốn điều lệ 3.547 tỷ đồng, tương ứng 354,7 triệu cổ phần lưu hành.



Được biết, ngân hàng OCB đã lên kế hoạch tăng vốn thêm 510 tỷ lên mức 4.500 tỷ đồng, trong đó sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác khoảng 338 tỷ đồng.



Còn tại ngân hàng SCB, sau khi hợp nhất 3 tổ chức tín dụng, có mức vốn điều lệ 'khủng' tới hơn 12.294 tỷ đồng và đến năm 2015, đã tăng vốn lên 14.294 tỷ đồng.



Đây là ngân hàng đã phải thực hiện tái cơ cấu từ cuối năm 2011 do 'sức khoẻ' yếu kém, mất thanh khoản, nợ xấu rất lớn… Sau đó, năm 2014, SCB đã có chủ trương phát hành 200 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.



Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại vì chỉ có một cá nhân duy nhất đồng ý góp vốn (bà Trương Mỹ Lan, cổ đông sáng lập của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và từng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB, hiện đã rút lui khỏi điều hành).



Tuy nhiên, SCB cũng đã tăng vốn thành công thêm gần 2.000 tỷ đồng, lên 14.2924 tỷ đồng trong năm nay nhờ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.



Cả hai ngân hàng này hiện vẫn giao dịch trên thị trường OTC với mức giá thấp hơn mệnh giá, thanh khoản kém… Do đó, khi DATC đưa ra mức giá khởi điểm bán cổ phần của hai ngân hàng này dưới 5.000 đồng/CP, tức rẻ như… mớ rau muống đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.



Theo báo cáo tài chính gần nhất, hết quý II/2015, ngân hàng OCB đạt tổng tài sản 44.290 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 24.357 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng.



Còn với SCB, ở quy mô vốn lớn gấp 4 lần OCB nhưng tình hình kinh doanh vẫn khá ảm đạm. Hết năm 2014, SCB đạt tổng tài sản 242.222 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 133,27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 90,24 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu thực tế của hai ngân hàng là bao nhiêu thì vẫn còn là ẩn số.



Ngân hàng thua thiệt



Nếu so sánh với thương vụ thoái vốn khỏi ngân hàng trong năm nay, ngân hàng SCB và OCB có phần thua thiệt về giá cổ phiếu quá bèo.



Đơn cử, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa bán đấu giá thành công 40 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với giá 10.100 đồng/CP, cao hơn mệnh giá 100 đồng/CP. Với quy mô vốn nhỏ và sức khoẻ được đánh giá là 'khá ổn', kết quả bán cổ phần như vậy cũng là đáng mừng. Nhất là khi EVN đã rất chật vật, nhiều lần trì hoãn thoái vốn khỏi ngân hàng.



Do đó, việc DATC chào bán cổ phần OCB ở mức giá chỉ 4.900 đồng/CP và SBC là 4.100 đồng/CP đang đặt ra băn khoăn liệu có bán giá bèo không? Dĩ nhiên, mức giá trúng đấu giá còn phụ thuộc mức độ quan tâm của nhà đầu tư cùng những đánh giá, định giá trị, tính toán lợi ích… khi quyết định mua OCB, SCB.



Ở góc độ cổ đông hiện hữu – những người vẫn đang đồng hành cùng hai ngân hàng suốt giai đoạn khó khăn vừa qua lại đang bị thiệt bởi mức định giá cổ phiếu chỉ bằng chưa tới 50% mệnh giá.



Hơn nữa, trong 4 năm qua, SCB đã không chia cổ tức cho cổ đông với lý do kinh doanh thua lỗ, cần tập trung nguồn vốn để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, rủi ro… Cổ đông đã phải 'nhịn' cổ tức suốt thời gian dài và không thu được lợi ích gì từ đồng vốn đầu tư và nhận được giá trị cổ phần có 'teo tóp' đi.



Với cổ đông OCB, dù vẫn được ngân hàng chia cổ tức hàng năm, song tỷ lệ cổ tức khá thấp, chỉ từ 5-10%/năm, cũng chỉ bằng mức lãi suất gửi tiết kiệm. Thế nên, khi đã hết kiên trì nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng thì nhiều cổ đông lại 'mắc kẹt' vì không thể bán cổ phiếu để tự 'giải thoát'.



Thu Hằng










Theo stockbiz.vn