Được vay ngoại tệ không giới hạn thời gian, đối tượng vay vốn cũng mở rộng hơn, là hai trong số nhiều điểm mới của Dự thảo quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, thay thế Thông tư số 43/2014/TT-NHNN đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến



Giảm áp lực ngoại tệ




Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 8 tháng đầu năm thấp hơn rất nhiều so với tín dụng VND. Cụ thể: Tăng trưởng tín dụng VND đạt 10,1%, trong khi ngoại tệ chỉ hơn 8%; tỷ trọng tín dụng ngoại tệ quy đổi ra VND chỉ 470 nghìn tỷ đồng so với tổng tín dụng quy đổi trên 3 triệu tỷ đồng.



Theo quy định tại Thông tư 43, đến ngày 31/12/2015, việc cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ sẽ chấm dứt. Để thị trường không chịu sức ép về ngoại tệ những tháng cuối năm, khi nhu cầu tăng cao, NHNN đã có dự thảo Thông tư cho vay bằng ngoại tệ với nhiều điểm mới. Cụ thể: doanh nghiệp sẽ được vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm được vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp vay ngoại tệ ngắn hạn, trung và dài hạn để thực hiện các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu có đủ nguồn thu để trả nợ, khi được giải ngân phải bán số ngoại tệ vay đó cho ngân hàng. Những đối tượng này được vay không giới hạn thời gian.



Lý giải việc đang giới hạn thời hạn cho vay đến ngày 31/12 hàng năm mà tại dự thảo thông tư mới, ông Bùi Quốc Dũng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - chia sẻ: Qua nhiều năm thực hiện quy định cho vay ngoại tệ, NHNN nhận thấy đây vẫn là nhu cầu thiết yếu, hợp lý nên đã đưa vào dự thảo lần này.



Doanh nghiệp phấn khởi



Theo TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, việc không giới hạn thời gian vay ngoại tệ ngắn hạn là quyết định phù hợp và đúng đắn bởi nhu cầu vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp xuất khẩu vẫn rất quan trọng nhất là với xăng dầu. Vì thế, việc duy trì và không giới hạn thời hạn cho vay ngoại tệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ. Và cùng với chính sách tỷ giá ổn định sẽ giúp doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch kinh doanh tốt hơn.



Thực tế, bỏ qua yếu tố rủi ro về tỷ giá, các doanh nghiệp thường thích vay vốn ngoại tệ để kinh doanh bởi lãi suất “mềm” hơn so với VND. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tính toán: Hiện mặt bằng lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3- 5,5%/năm với khoản vay ngắn hạn; 5,5- 6,7%/năm với vay trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất vay VND cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7- 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3- 11%/năm đối với trung và dài hạn nên nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được vốn vay USD trung và dài hạn với lãi suất thấp, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để đầu tư cho sản xuất.



Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may có trụ sở tại Hưng Yên- cho biết: Vốn ngoại tệ là một trong những khoản vay lưu động không thể thiếu của doanh nghiệp bởi chi phí hợp lý. Nếu dự thảo thông tư này được thông qua sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và thuận lợi hơn trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh.





Duy Minh










Theo stockbiz.vn