Ngành điều Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USDtrong năm nay và đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Nhưng do thiếu công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị, cộng “căn bệnh” phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc phát triển ngành điều chưa thể bền vững.



Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2015, lượng nhân điều xuất khẩu đạt 272.000 tấn với kim ngạch 1,9 tỷ USD, tăng 6% về lượng và trên 18% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.



Dự kiến trong năm 2015, xuất khẩu ngành điều sẽ đạt 2,5 tỷ USD, trong đó nhân điều 2,3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần chiếm trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5 tỷ USD).



Vẫn là xuất nhiều, nhập nhiều



Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 35,67%, 12,92% và 12,86% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (68,35%), Thái Lan (45,19%), Anh (40,52%, Hà Lan (37,21%) và Hoa Kỳ (30,37%).



Điều cần lưu ý là để có lượng điều nhân xuất khẩu tăng, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn điều thô về tách vỏ và xuất khẩu trở lại. Trong 10 tháng qua, lượng điều thô nhập về là 780.000 tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,01 tỷ USD (tăng 54,5% về khối lượng và tăng 85,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái).



Phát biểu tại Hội nghị quốc tế ngành điều 2015 diễn ra tại Tp.HCM (từ 22 đến 24/11), ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vicas), cho biết hiện nay các doanh nghiệp hạt điều Việt Nam chế biến khoảng 1,3 tấn hạt điều/năm, nhưng trong nước chỉ cung cấp được 500.000 tấn, số còn lại 800.000 tấn phải nhập khẩu từ bên ngoài, chủ yếu từ châu Phi và Campuchia.



Nhận định về vấn đề trên, giới chuyên gia ngành điều cho rằng việc các công ty trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu điều quá nhiều sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho chính ngành điều Việt Nam. Bởi giá nhân điều xuất khẩu và giá nguyên liệu điều thô không phải lúc nào cũng ổn, có những lúc lên xuống thất thường muốn trở tay cũng không kịp.



Đó là chưa kể các doanh nghiệp phải chịu chi phí nhập cao, chất lượng nguyên liệu chưa hẳn được khách hàng xuất khẩu ưng ý nên doanh nghiệp ngành điều phải chịu thêm áp lực cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.



Điển hình là trong số 272.000 tấn điều nhân xuất khẩu của 10 tháng 2015, có khoảng hơn 90% là điều nhân đóng bao, còn sản phẩm giá trị gia tăng (vốn có bán giá cao hơn) chỉ chiếm chưa đến 10%.



Cần bước chuyển về “chất”



Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, bà Thái Thị Hà (công ty TNHH Thái Gia Sơn – một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại tỉnh Bình Phước) cho biết nguồn nguyên liệu hạt điều thô của tỉnh Bình Phước không đủ để cung cấp cho hoạt động chế biến xuất khẩu của công ty. Công ty bắt buộc phải nhập nguyên liệu từ các quốc gia châu Phi, Ấn Độ, trong khi phía khách hàng nhập khẩu lại muốn mua hạt điều có nguồn nguyên liệu từ Việt Nam vốn có chất lượng tốt hơn.



Bên cạnh chuyện phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, một thách thức hiện nay với ngành điều Việt Nam là các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là hai thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ chiếm 30% thị phần, theo sau là EU (25%) rồi mới đến thị trường dễ tính Trung Quốc (20%)…



Về vấn đề này, Chủ tịch Vicas Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: “Chính vì thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu cao nên trong những năm qua, Vicas đã tài trợ cho 300 điểm trình diễn mô hình trồng điều theo hướng dẫn thâm canh, sạch hơn”.



Thời gian qua, phía Vicas cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thực hiện hai cuộc kiểm tra trên hàng trăm nhà máy chế biến hạt điều về vệ sinh an toàn thực phẩm.



“Chúng tôi hiểu rằng phải tạo ra các sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng ổn định” – ông Nguyễn Đức Thanh đã nói như vậy trước 300 đại biểu doanh nghiệp điều tham dự Hội nghị quốc tế ngành điều 2015, trong đó 65% doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia trên thế giới.



Được biết hồi tháng 7/2015, cơ quan FDA (Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) đã tiến hành khảo sát nhiều cơ sở chế biến điều xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ ở các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…và phát hiện không ít doanh nghiệp trong số này chưa đạt yêu cầu. FDA dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện nhiều khảo sát khác nhằm kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng các lô hàng thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường của họ.



Chia sẻ thêm với Thời báo Kinh Doanh, lãnh đạo công ty TNHH Thái Gia Sơn cho biết trước khi xuất sang thị trường EU (thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ) thì việc trước tiên là phía đối tác đến tham quan nhà máy và họ đưa chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng đến Bình Phước để đánh giá về quy trình chế biến của công ty có đạt chuẩn theo quy định của EU hay không. Cho nên để giữ chân các đối tác EU, phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe mà nếu không đủ nguồn lực để làm thì sẽ khó mà trụ vững.



Rõ ràng, thành tích xuất khẩu của ngành điều là không thể phủ nhận. Nhưng để có sản phẩm xuất khẩu giá trị gia tăng cao và đảm bảo “sạch”, đúng chuẩn của các thị trường khó tính, ngành điều còn nhiều việc cần giải quyết, nhất là cần sớm có bước chuyển về chất, tập trung vào việc chế biến sâu hạt điều thông qua đầu tư công nghệ hiện đại; có chiến lược giữ ổn định và phát triển diện tích vùng nguyên liệu…



Thế Vinh










Theo stockbiz.vn