Châu Phi là thị trường đang phát triển và rất tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng muốn tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thì các doanh nghiệp Việt cần có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để tháo gỡ những rào cản.



Theo đánh giá mới đây của Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), triển vọng thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Phi trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm hiện vẫn rất lớn.



Số liệu công bố tại Diễn đàn phát triển kinh doanh và trao đổi hợp tác Nam – Nam giữa các nước châu Phi và các nước Pháp ngữ tiểu vùng sông Mekong diễn ra tại Tp.HCM ngày 19/11 cho thấy riêng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia cộng đồng kinh tế Trung Phi (CEMAC) và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) đã tăng gấp 5 lần trong 7 năm gần đây nhất, từ 180 triệu USD năm 2007 lên 854 triệu USD vào năm ngoái.



Triển vọng từ thị trường xa



Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang CEMAC và UEMOA chủ yếu là gạo (chiếm 50 – 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực, vào năm ngoái đã đạt kim ngạch hơn 160 triệu USD); nhóm hàng dệt may đứng ở vị trí thứ hai (vào năm 2014 đã đạt kim ngạch hơn 60 triệu USD), tiếp theo đó là các mặt hàng thuỷ sản, sản phẩm sắt thép, linh kiện phụ tùng ô tô – xe máy, nguyên liệu thuốc lá, cao su…



Theo ông Hoàng Đức Nhuận, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), triển vọng hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào các quốc gia khu vực Trung Phi, Tây Phi vẫn còn rất lớn.



Đơn cử như một số doanh nghiệp Việt Nam gần đây đã bắt đầu đầu tư hoặc mở văn phòng đại diện tại Cameroun, Gabon, Congo, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại và cả chuyển giao công nghệ, nhất là trong lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ. Chẳng hạn, công ty Tai Anh Import – Export đã mở đại lý thương mại tại Gabon phục vụ việc nhập khẩu và chế biến gỗ.



Ông Hoàng Đức Nhuận cho biết cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam và cả hai khu vực CEMAC, UEMOA không mang tính cạnh tranh mà lại bổ sung cho nhau, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Ngoài thương mại thông thường, một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án đã bắt đầu đầu tư hoặc mở văn phòng đại diện tại châu Phi.



Trong tương lai, những lĩnh vực hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam với hai khu vực này như sản xuất hàng dệt may, chế biến gỗ, chế biến nông, thuỷ hải sản. Ngoài ra, cũng cần chú trọng những tiềm năng hợp tác trong thăm dò khai thác dầu khí, khoáng sản; lĩnh vực viễn thông; sản xuất hoá chất, phân bón; thiết bị và máy nông nghiệp; sản xuất xe máy, vật liệu xây dựng…



Tuy nhiên, nhận định chung của giới chuyên gia kinh tế hiện nay cho rằng việc giao thương của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường châu Phi vẫn có không ít trở ngại.



Theo bà Thái Kiều Hương, Phó Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Châu Phi – Trung Đông, khi tiếp cận thị trường Châu Phi, các doanh nghiệp Việt bị thiếu thông tin, tự tìm kiếm qua các nguồn không chính thức nên gặp nhiều rủi ro. Hơn nữa, hệ thống hỗ trợ thanh toán chưa được thiết lập bởi các ngân hàng đại diện trực tiếp ở hai khu vực Việt Nam và Châu Phi.



Cần sớm tháo rào cản



Bà Thái Kiều Hương cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu hoạt động thương mại, buôn bán, rất ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư trực tiếp vào các thị trường trên. Đặc biệt còn một lượng rất lớn các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường châu Phi nhưng chưa dám hợp tác thương mại và đầu tư. Nguyên nhân đến cả từ phía doanh nghiệp và chính phủ.



Thực tế hiện nay cho thấy, dù chính phủ các bên có chủ trương khuyến khích hợp tác kinh tế, nhưng các chính sách hỗ trợ cụ thể chưa có, thủ tục hành chính chưa thuận tiện và kéo dài nên kết quả hợp tác còn chưa cao.



Việc các doanh nghiệp tìm được cơ hội và đối tác hợp tác là cực kỳ quan trọng, tuy nhiên nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ nước sở tại, thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể thì hoạt động của các doanh nghiệp rất khó thành công.



Phát biểu tại Diễn đàn phát triển kinh doanh và trao đổi hợp tác Nam – Nam, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng lưu ý cần thúc đẩy hợp tác thương mại và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các nước châu Phi và các nước Pháp ngữ tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản thương mại. Những khó khăn trong vấn đề pháp lý, tranh chấp thương mại cũng như tài chính, ngân hàng cũng cần được sớm tháo gỡ để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững.



Để giải quyết những tồn tại hiện nay, các doanh nghiệp Việt có mặt tại diễn đàn Nam – Nam đã bày tỏ cần có sự hỗ trợ cao giữa các nước, nhất là các chính sách, quy định, cải tiến thủ tục hành chính. Hơn nữa, các ngân hàng giữa Việt Nam và châu Phi cũng nên trao đổi trực tiếp về các giải pháp hợp tác tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo an toàn trong các giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp hai bên, nhất là trong lĩnh vực lương thực thực phẩm.



Ông Hoàng Đức Nhuận đề nghị cần thiết lập một mạng lưới các cơ quan hỗ trợ thương mại và đầu tư của Việt Nam, khu vực Mekong nói tiếng Pháp với hai khối UEMOA, CEMAC và trao đổi thông tin thường xuyên. Đồng thời nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết Hiệp định tự do mậu dịch (FTA) giữa Việt Nam với UEMOA, CEMAC trong tương lai.



Thế Vinh












Theo stockbiz.vn