“Việt Nam từng được ví như con rồng tiếp theo của châu Á. Những thành tích kiểu như đứng ở tốp đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu – vị trí thứ 2 xuất khẩu cà phê, thứ 3 xuất khẩu gạo, thứ 4 về xuất khẩu thủy sản hay những thành tích dễ dàng kiểu “tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước” hoặc “tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm” dễ gây tâm lý thỏa mãn và say sưa vì thắng lợi”.



Ý kiến trên được Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại hội thảo Tổng kết 30 năm Kinh tế Việt Nam do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/11. Ts. Thiên cũng nêu ra một thực tế là tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã sụt giảm trong giai đoạn mấy năm vừa qua và đang dấy lên lo ngại rằng điều này sẽ kéo tăng trưởng kinh tế cả nước đi xuống và Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình.



Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững



“Người Việt Nam có tiếng là thông minh, cần cù, sáng tạo… nhưng đất nước lại phát triển thấp, không tận dụng được lợi thế của người đi sau. Đây là một nghịch lý. Có vẻ như Việt Nam chưa thoát khỏi đẳng cấp phát triển thấp của chính mình. Trong khi ta so sánh với ta thì lại luôn thấy tốt đẹp, thấy phát triển”, ông Thiên bình luận.



Theo Ts.Thiên, dù Việt Nam được nhận định là đang thoát khỏi lạc hậu, nhưng trên thực tế kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi lạc hậu. Cụ thể cơ cấu là chỉ tiêu để đo chất lượng, thay đổi cơ cấu tức là thay đổi chất lượng. Song trên thực tế, thay đổi cơ cấu Việt Nam chưa dẫn đến thay đổi chất lượng.



“Những yếu tố cốt lõi thay đổi năng suất và chất lượng chưa có, ví dụ như công nghiệp là gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên thì công nghiệp đó vẫn chưa thay đổi. Công nghệ vẫn chưa thoát khỏi lạc hậu, vẫn rất xa so với thế giới. Năng suất lao động của ta trong suốt 20 năm hầu như không thay đổi”, ông Thiên đánh giá.



Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, kết cấu hạ tầng Việt Nam phát triển là nhờ đi vay. Mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, không theo chiều sâu. Năng suất lao động kém, trình độ lao động thấp, tăng trưởng nhờ vốn nước ngoài.



Nhấn mạnh về yếu tố lao động, ông Vũ Tuấn Anh cho biết: “Việt Nam đào tạo lao động có tay nghề lại cho xuất khẩu lao động ra nước ngoài hết, trong khi đó, lại mở cửa cho rất nhiều lao động tay nghề kém của Trung Quốc tràn sang”.



Ts. Nguyễn Quang Thái, Tổng thư kí Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng với tư duy lạc hậu, chúng ta đã chọn sai mô hình, thể chế méo mó, điều hành giật cục… điều này đã khiến nền kinh tế Việt Nam sau bao năm phát triển không những tụt hậu xa hơn mà còn lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới.



Dẫn chứng cho nhận định của mình, Ts. Thái phân tích, dân số chủ yếu sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp nhiều năm trước chiếm trên dưới 65%, đến nay vẫn còn chiếm 45%, nhưng ngành nông nghiệp có năng suất lao động rất thấp, không phát huy được thế mạnh của nông nghiệp nhiệt đới. Xuất khẩu gạo đạt tới 7 triệu tấn/năm, nhưng Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia, giống gạo vẫn chủ yếu phụ thuộc nhập ngoại hoặc dùng giống bản địa năng suất thấp.



Tiếp đó, ngành công nghiệp sau nhiều năm phấn đấu đang có tốc độ tăng trưởng gần 10% nhưng Việt Nam không có ngành năng lượng bản địa vững vàng, trừ ngành khai thác năng lượng, dựa vào khai thác tài nguyên. Các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ yếu là do các DN FDI chiếm phần lớn nhưng lại không thực hiện được chuyển giao công nghệ.



Các dịch vụ có vẻ được phát triển, nhưng ngành du lịch “không khói” không tận dụng được thế mạnh “trời cho” là các danh lam thắng cảnh, bãi biển dài và đẹp mà chỉ “khai thác chặt chém”.



Ông Thái cho rằng, dù kinh tế lạc hậu, nhưng chính sách phát triển thì “sao chép” mà không làm thật, nên kinh tế tri thức cũng không chuyển biến sau 15 năm, bảo vệ môi trường cũng mờ nhạt. Muốn tiến lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhưng chính sách lại rất đơn giản. Hệ quả là GDP và GNI tuy cao trên 2.000 USD/người nhưng chủ yếu dựa vào “quảng canh”, còn tay nghề và công nghệ thì thường là thấp. Do đó, một số lĩnh vực đang bị các nước kế cận đuổi kịp và vượt qua một cách đáng tiếc.



Tụt hậu so với chính mình



Bên cạnh đó, PGs.Ts. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu so với nhu cầu phát triển, tụt hậu so với các nước mà còn tụt hậu so với chính mục tiêu của mình đề ra.



Theo ông Bá, nông nghiệp không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà điều nguy hiểm hơn là đang đầu độc người dân một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn. Nếu như Việt Nam không khắc phục được tình trạng này, nền nông nghiệp Việt Nam chẳng những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm.



Hay tăng trưởng công nghiệp xét về lượng theo giá trị sản xuất công nghiệp là rất ấn tượng, một số cụm, ngành công nghiệp đã hình thành, trỗi dậy và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng về chất, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp có chiều hướng suy giảm, năng lực công nghê nội địa thấp, hợp tác trong cụm, ngành hạn chế và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới chỉ ở công đoạn khai thác lợi thế về chi phí lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.



Đồng thời “chiến lược phát triển cái gì cũng muốn làm” khiến ta không làm được cái gì cho đến nơi, đến chốn. Vì vậy, Ts. Bá cho rằng tụt hậu là cực kỳ nguy hiểm, do vậy cần phải rút ngắn khoảng cách với các nước càng nhanh càng tốt.



Xét về vị thế của Việt Nam trong tương lai, ông Thiên cho rằng: “Chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì. Sự phát triển của kinh tế tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế với giáo dục kỹ năng chuyên sâu, chất lượng thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nên được coi là quan điểm phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đảng cấp cao. Đây là tất cả các yếu tố mà Việt Nam đang thiếu hiện nay”.



Lê Thúy












Theo stockbiz.vn