Thay vì phải đợi 1 tuần hay thậm chí cả tháng tháng để có được giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu kỳ vọng sẽ rút ngắn được thời gian và tăng tính minh bạch khi các thủ tục được thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia.



Cho biết trong hội thảo về cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tổ chức sáng 19/11, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Accutech (Hà Nội) tính toán, có những mặt hàng công ty phải đợi 2 tháng để được cấp giấy phép nhập khẩu.



Thời gian này theo chị Thu, đại diện doanh nghiệp trên, cho rằng bị kéo dài một phần do phải đi lại, bổ sung, giải trình, giấy tờ. Đặc biệt, quy trình cấp giấy phép nhập khẩu được khiến doanh nghiệp khá bị động bởi không rõ hồ sơ của doanh nghiệp đã tới quy trình xử lý nào và đã hoàn thành hay chưa.



'Chúng tôi phải thường xuyên gọi điện cho người quản lý để hỏi xem hồ sơ đã xong hay chưa. Nếu có vấn đề gì thì phía doanh nghiệp lại phải bổ sung,' đại diện doanh nghiệp này nói.



Không những vậy, để bổ sung giấy tờ, chị Thu khẳng định, rất khó đi lại một lần là xong việc mà thường phải đi tới cơ quan chức năng nhiều lần. Điều này không những tốn công sức, thời gian mà còn khiến thủ tục cấp phép có thể bị kéo dài.



Những vấn đề trên theo chị có thể sẽ được giải quyết khi thủ tục cấp giấy phép được thực hiện theo phương thức điện tử. Theo đó, thông tin về người quản lý, trực tiếp xử lý hồ sơ sẽ hiển thị ngay trên hệ thống một cửa quốc gia. Quy trình xử lý hồ sơ của doanh nghiệp tới khâu nào, ai chịu trách nhiệm cũng sẽ được thông tin đầy đủ ngay trên mạng để phía doanh nghiệp tiện theo dõi.



Ngoài ra, cũng với hệ thống này, những quy trình, thủ tục ra sao đã được hiển thị đầy đủ, phía doanh nghiệp chỉ cần điền đẩy đủ thông tin và gửi tới cơ quan chức năng để đợi thẩm tra. Điều này sẽ tránh được thực tế, nhiều doanh nghiệp nộp văn bản, giấy tờ không đúng mẫu và phải bổ sung nhiều lần.



Đây cũng là mong muốn của đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Kỹ thuật (Hà Nội) với quy trình cấp giấy phép sẽ được thực hiện ngay trong tháng 11 này.



Theo đại diện đơn vị này, công ty đang nhập khẩu một số hóa chất và đây là mặt hàng rất khó để bảo quản ở điều kiện thông thường trong thời gian dài. Bởi vậy, thời gian chờ đợi có thể 7-20 ngày có thể khiến doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng đặc biệt gặp khó.



Về phần mình, chưa đưa ra thời gian dự đoán có thể rút ngắn với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế nhưng lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) khẳng định, thời gian tiếp nhận, phản hồi với hệ thống thông quan điện tử hiện có thể tính bằng giây.



Theo ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia không đơn chỉ là điện tử hóa quy trình thủ công mà còn là cải cách, đơn giản hóa thủ tục.



Đặc biệt, ông Hiệu cho rằng, việc thực hiện thủ tục bằng phương thức điện tử sẽ giúp tính minh bạch được nâng cao hơn.



'Khi thực hiện bằng phương thức điện tử, biểu mẫu sẽ được làm ngay trên hệ thống mạng, hệ thống lưu lại thời gian kê khai, cán bộ khâu nào xử lý, thời gian ra sao, lý do vì sao không chấp nhận yêu cầu của doanh nghiệp,' ông Hiệu nói./.



Trước đó, sáng 8/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút, công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN.



Cơ chế một cửa quốc gia cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan lý Nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu qua qua một hệ thống tích hợp. Các bên tham gia có thể gửi chứng từ, thông tin đã được chuẩn hóa tới 1 điểm tiếp nhận duy nhất. Cơ quan quản lý quyết định sẽ cho phép hàng được xuất nhập khẩu, quá cảnh trên hệ thống tích này.



Xuân Dũng










Theo stockbiz.vn