Có một nghịch lý là doanh nghiệp logistic Việt Nam dù chiếm số lượng lớn nhưng thị phần nhỏ, chỉ 20%, trong khi doanh nghiệp ngoại chiếm 80% thị phần.



“Trong 4.000 doanh nghiệp logistic Việt Nam chỉ chiếm 20% thị phần, còn lại 80% thị phần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù số lượng doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 4-5% tổng số doanh nghiệp logistic đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết.



Việt Nam là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và ngày càng tăng trưởng tốt tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistic- vận tải giao nhận phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với 15 FTA đã và đang chuẩn bị tham gia và sự kiện gia nhập TPP.



Nguyên nhân của việc doanh nghiệp nội bị lép vế trong ngành logistic được ông Minh lý giải bởi trình độ, năng lực chuyên môn của nhân lực ngành này còn hạn chế. “Chỉ có khoảng 5-7% số nhân lực được đào tạo bài bản, phần lớn số lao động còn lại đến từ các ngành nghề khác nhau và do doanh nghiệp tự đào tạo”.



“Doanh nghiệp nội cần tăng khả năng chuyên môn hơn nữa mới có thể gia tăng thị phần trong lĩnh vực này”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.



Chi phí logistic cao làm giảm năng lực cạnh tranh



Ngành logistics Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, ông Minh cho hay, cơ sở hạ tầng Việt Nam còn yếu kém, chi phí logistic khá cao, quản lý ngành còn nhiều chồng chéo dẫn đến nền kinh tế Việt Nam mất cạnh tranh lớn trên thị trường.



Nếu như ở các nước phát triển, chi phí logistics chiếm khoảng 10-13% GDP thì ở Việt Nam chi phí logistics lên đến 20-25% GDP. Chi phí vận chuyển ở Việt Nam đang được xếp hàng cao trong khu vực và thế giới.



Lý giải về chi phí vận tải ở Việt Nam còn cao, đại diện Bộ Công thương cho rằng do giao thông, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn hạn chế. Câu chuyện chi phí logistic vẫn là một bài toán khó.



Về điều này, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần nêu ý kiến việc kết nối giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt còn mất nhiều thời gian dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistic do chi phí vận chuyển cao. Doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị phần tốt nhờ có thế mạnh trong vận chuyển hàng qua đường hàng không và đường biển.



Tổng thư kí Hiệp hội Logistic Việt Nam Trần Huy Hiền cho biết chính hệ thống vận tại, hạ tầng kém, việc kết nối đường biển và đường bộ chưa có sự đồng bộ dẫn đến ngành logistic mất nhiều chi phí, đặc biệt những chí phí phát sinh. Tình trạng ùn tắc, năng suất vận tải đường thủy thấp, phương tiện phần nhiều hạn chế



Nguyên nhân quan trọng khiến cho chi phí logistics tăng lên, là tình trạng tắc nghẽn cảng dẫn đến chậm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải chi trả những khoản phí không chính thức nhằm đẩy nhanh thời gian thông quan kịp tiến độ giao hàng.



Theo phân tích của ông Hiền, không chỉ đơn thuần là những vấn đề phát sinh từ thủ tục hải quan, mà các thủ tục liên ngành, như kiểm dịch động thực vật, kiểm tra xuất xứ hàng hóa… cũng làm ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng xuất nhập khẩu.



“Cả hệ thống làm chậm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Không chỉ mất thời gian thông quan, phải chả chi phí ngoài để rút ngắn thời gian mà doanh nghiệp còn phải xuất trình nhiều giấy phép con, trình thủ tục đến các cơ quan liên ngành…” - ông Hiền nói.



Logistic quản lý vẫn còn chồng chéo bởi nhiều Bộ ngành như Bộ Giao thông Vận tại, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương... dẫn đến hoạt động vận hành còn phức tạp, nhiều thủ tục .



Sự kết nối, phối hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics chưa đạt hiểu quả mong muốn, hoạt động của doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế cả về quy mô hoạt động, vốn...



Hải Minh










Theo stockbiz.vn