-
11-13-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Cải cách thủ tục hải quan: Thông thoáng hơn, vẫn cần “bôi trơn”
94% doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát đánh giá sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật Hải quan là tích cực/ khá tích cực. 64% DN cho rằng pháp luật hải quan hiện hành dễ thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có 28% DN cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định và e ngại bị phân biệt đối xử nếu không có “phí bôi trơn” …
Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: “Trên cơ sở Luật Hải quan 2014, đã có 17 thủ tục hành chính (TTHC) được bãi bỏ, 46 TTHC được đơn giản hoá. Tổng cộng có 63 TTHC được cắt giảm và đơn giản hoá (chiếm 28%) TTHC toàn ngành. Khi triển khai hệ thống VNACCS/VCIS đã rút thời gian đăng kí tờ khai hải quan chỉ còn khoảng 3 giây…”
Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan tuy mới chỉ làm được 30% lộ trình nhưng đó là điều đáng được ghi nhận bởi đã có những thay đổi và đột phá trong thời gian ngắn”.
30% hài lòng
Theo báo cáo Kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan, có 3.123 DN (chiếm 30%) trong tổng 10.406 DN được khảo sát rất hài lòng với những thay đổi trong thủ tục hành chính hải quan thời gian qua.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết về chất lượng các thông tin thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, có 81% DN tham gia cho biết các thông tin này sẵn có, dễ tìm và đã có được thông tin, 65% đánh giá các thông tin đơn giản và dễ hiểu.
Về phương thức tiếp cận qua cổng thông tin điện tử của Tổng Cục Hải quan, có 89% DN hài lòng. Về thực hiện thủ tục hành chính, phần lớn các DN đánh giá ở mức bình thường, cụ thể, 26% DN cho rằng các thủ tục nộp thuế dễ hoặc rất dễ. Ngược lại, một số thủ tục có lượng DN tương đối lớn đánh giá là “khó, rất khó” thực hiện như: thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (31%), thủ tục xét miễn thuế (26%) và giải quyết khiếu nại (23%).
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết thêm, có tới 58% DN đã từng gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện thủ tục hải quan. Trong số này, 83% cho biết gặp phải vấn đề vì nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi. Kế đến, 60% DN cho rằng cơ quan hải quan và các cơ quan khác phối hợp chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng đánh giá về mức độ thực hiện kỷ cương của cán bộ hải quan qua 5 tiêu chí: văn minh, lịch sự khi tiếp xúc, công tâm, tận tụy khi thi hành công vụ, nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc, coi DN là đối tác và hợp tác, thực hiện nhanh chóng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, phần lớn DN đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của các công chức hải quan chỉ ở mức “bình thường” (từ 55-61%) tại tất cả tiêu chí thay vì mức tốt, rất tốt.
Còn về kết quả khảo sát công việc như với những trường hợp cần kiểm tra trước, hoàn thuế sau, có 49% DN cho biết họ chỉ phải đi lại một lần là có thể hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế hợp lệ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy có tới 35% DN phải đi lại hai lượt và 16% phải mất tới 3 lượt đi lại trở lên mới có thể hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế.
Ngoài ra, một số khó khăn khác được phía DN nêu lên là: Yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ ngoài quy định, không công khai thông tin và quy trình xử lý hay cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình.
Đặc biệt, báo cáo này cũng chỉ ra “mảng tối” về chi phí không chính thức mà DN phải trả khi thực hiện thủ tục hải quan. Trong số các DN được hỏi về chi phí này, có 28% DN cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định và 35% DN được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi về phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan.
Tế nhị “phí bôi trơn”
Theo các DN, nếu không chi trả thêm phí “bôi trơn”, DN e ngại sẽ bị phân biệt đối xử so với các DN có sử dụng chi phí này. Đồng thời phí “bôi trơn” cũng là công cụ đắc lực để DN thực hiện các thủ tục hành chính hải quan một cách nhanh nhất có thể.
Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng nhiều lần than phiền về vấn đề này. Mới đây, tại hội thảo kinh tế Việt Nam – Triển vọng 2016, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, cho biết là nhiều thủ tục hành chính tại Việt Nam đang cản trở hoạt động DN, có khoảng cách giữa lập và thực hiện chính sách.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, cơ quan nhà nước áp dụng các chính sách một cách tùy tiện, các DN vẫn bị thu các khoản phí không minh bạch, ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN.
Bản điều tra đánh giá môi trường kinh doanh tới 7.815 công ty Nhật Bản đầu tư tại 15 nước thuộc khối ASEAN, Tây Nam Á, Châu Đại Dương thực hiện cuối năm 2014 cho thấy, điều mà các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam coi là vấn đề nhất, đó là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”, chiếm 60,3%.
Do vậy, cùng với các kết quả trên, 82% DN kỳ vọng cơ quan hải quan tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. 56% cho rằng ngành hải quan cần tiếp tục nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp thông tin và 53% đề xuất cần tăng cường củng cố mối quan hệ đối tác giữa hải quan và DN. Cùng với đó, ngành cần nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng, tinh thần và thái độ phục vụ của công chức hải quan.
Bên cạnh đó, theo các DN, mặc dù, nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện, song những thủ tục này vẫn còn rất nhiều không gian để cải thiện. Sự phối hợp chưa đồng bộ và hiệu quả giữa cơ quan hải quan và các cơ quan Nhà nước có liên quan cũng được các DN mong muốn có sự cải thiện hơn nữa.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam nhận định: “Những cải cách mà ngành Hải quan đã làm giúp DN chúng tôi rút ngắn đươc thời gian XNK hàng hoá, nhưng bên cạnh đó chi phí cho thủ tục hành chính vẫn chưa giảm bớt so với năm 2014”.
Ông Chu Hữu Nghị- Tổng Giám đốc công ty Dệt may Hưng Yên cho rằng ngành Hải quan đã bước đầu tạo được “nhịp cầu” với DN nhưng thủ tục hoàn thuế còn quá rườm rà, tốn quá nhiều thời gian cho DN, hàng hoá tại cửa khẩu chưa phân loại rõ ràng theo từng mục khiến DN chưa nắm bắt rõ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Hoàng Anh Tuấn đánh giá rằng “Ngành Hải quan cần làm rõ những gì chúng ta chưa làm được, cần vạch ra các bước đi cụ thể trong từng giai đoạn và tăng cường hợp tác với đối tác Nhật Bản, Hoa Kì, có như vậy, chúng ta mới dần đạt được mục tiêu đứng thứ ba trong cộng đồng các nước ASEAN về xếp hạng XNK”.
Lê Thúy
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- WB “rót” thêm 45 triệu USD cho ngành chăn nuôi, thực phẩm tại Việt Nam
- Bản tin kinh tế cuối tuần
- Xuất khẩu gỗ phải có “gỗ hợp pháp”
- Doanh nghiệp Hàn xây nhà máy linh kiện điện tử lớn nhất tại Hải Phòng
- Giá xăng xuống thấp kỷ lục từ 15h
- Động lực phát triển kinh tế đã bão hòa
- Không “bơm” tiền để doanh nghiệp mua sân bay
- Chưa duyệt kinh phí lập báo cáo khả thi sân bay Long Thành
- 'Thòng lọng' mới đe dọa cá tra Việt
- SBIC - tiền thân là Vinashin bắt đầu hồi sinh
Bài văn khấn bốc bát hương bà cô ông mãnh và cách sắm lễ Bài văn khấn bốc bát hương bà cô ông mãnh, bài cúng thay bát hương mới phù hợp nhất. Bài văn khấn và cách sắm lễ bốc bát hương trong bài viết...
Bài văn khấn bốc bát hương bà cô...