Ngành công nghiệp cơ khí trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 45-50%. Dẫn đến, tỷ lệ nhập khẩu liên tục tăng cao, nhất là máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất.



Theo các doanh nghiệp (DN), bên cạnh những khó khăn về vốn, công nghệ, trình độ, nhân lực thì thực tế những ưu đãi, chính sách để hỗ trợ DN cơ khí phát triển hiện nay vẫn chưa thực sự đến với DN, giúp ngành cơ khí phát triển.



Chủ yếu làm “gia công”



Số liệu của Bộ Công Thương dẫn Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Bộ này tổ chức ngày 10-11 cho biết, năm 2014, giá trị xuất khẩu của ngành cơ khí đạt hơn 15 tỷ USD, song nhập khẩu lại hơn 26,7 tỷ USD. Dẫn tới, tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ đạt hơn 30%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 40-50%.



Các DN cho rằng, nếu cứ để cho các DN cơ khí trong nước “tự bơi” tự chiến đấu trong bối cảnh sức mạnh nội tại, công nghệ, vốn còn thấp, nhất là trong bối cảnh hội nhập đang đến gần thì ngành cơ khí sẽ còn gặp nhiều khó khăn.



Theo Bộ Công Thương, đến nay ngành cơ khí chế tạo trong nước chỉ mới làm chủ được công tác thiết kế các nhóm thiết bị có hàm lượng công nghệ vừa phải như thiết bị cơ khí thủy công, một số cụm chi tiết của các nhà máy, nhóm thiết bị đồng bộ của các dự án khác có độ phức tạp cao hơn (bao gồm lọc hóa dầu, nhà máy chế biến hóa chất, nhà máy nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản (nhôm, titan…) vẫn chưa làm chủ được công tác thiết kế.



Các nhóm thiết bị máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, cơ khí xây dựng, thiết bị kỹ thuật điện… do công tác thiết kế chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, tính cạnh tranh của sản phẩm còn kém.



Về chế tạo, theo đánh giá, hiện nay phần lớn các nhà máy nhiệt điện vẫn do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, đối với các dự án hóa chất, alumin, lọc hóa dầu đều do nước ngoài làm tổng thầu EPC, phần công việc chế tạo trong nước rất thấp. Đặc biệt trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã quan tâm giao cho nhà thầu trong nước đóng vai trò tổng thầu EPC nhưng phần tư vấn thiết kế vẫn cơ bản phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài.



Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng: “Các DN trong nước vẫn còn tư tưởng gia công (làm thuê), chưa có sự cố gắng làm chủ phần E là phần có giá trị gia tăng lớn nhất”.



Đặc biệt, trong khi các DN nhà nước chậm đổi mới thì các DN tư nhân quy mô lại nhỏ bé, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí – một lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, lợi nhuận thấp. Cùng với đó là sự phối hợp giữa DN trong nước, đặc biệt là giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các DN chế tạo với nhau nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh từng DN còn rất hạn chế, dẫn đến đầu tư trùng lắp, giảm hiệu quả đầu tư. Đây là những điểm yếu mà DN cần phải khắc phục.



Cam phận “chầu rìa”?



Theo các DN, dù Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN cơ phí, tuy nhiên, các ưu đãi này vẫn chưa thực sự đến được với DN, giúp ngành cơ khí phát triển.



Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương, đánh giá: “Theo tôi, việc hỗ trợ đầu tư, vay vốn, thuê đất, kích cầu, bảo vệ thị trường… hình như không có tác dụng. Vậy thay vì hỗ trợ thì chúng ta tạo cho họ thị trường, kể cả thị trường trong nước và XK”.



Đại diện Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp lại cho rằng cơ chế chính sách của nhà nước với ngành cơ khí là đủ. Tuy nhiên, chính sách ban hành đã có rồi nhưng tại sao ngành cơ khí vẫn khó khăn. “Tôi cho rằng do cơ chế chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, nếu có thì hầu như chưa trọn vẹn ở một số lĩnh vực. Ví dụ thuế, vốn, thị trường… qua theo dõi tôi thấy nêu chúng ta cứ dàn trải tất cả cơ chế cho tất cả ngành hàng, DN rất khó tiếp cận”, đại diện Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp nói.



Ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh, chỉ ra thực tế là ưu thế đấu thầu của DN Việt Nam hiện nay đuối hơn so với các DN nước ngoài rất nhiều. “Luật Đấu thầu vừa ban hành năm 2014, các sản phẩm trong nước sản xuất đã được đăng ký ở Bộ Công Thương nhưng hiện nay, các dự án vẫn NK sản phẩm cơ khí tự do. Tất nhiên do năng lực, chất lượng… nhưng chúng ta phải đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, đã sản xuất được trong nước thì nên có hạn chế NK”, ông Quang chia sẻ.



Liên quan đến khó khăn về vốn, ông Quang cho biết: “các dự án lớn chủ yếu là vốn vay. Tuy nhiên, chúng ta nghèo cũng không nên sợ người ta. Vì khi đi vay thường người ta sẽ áp đặt tất cả sản phẩm phải lấy của người ta. Đây là vấn đề mà chúng ta phải đàm phán để có lợi cho sản phẩm nội”.



Mặc dù chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn đã được đưa ra, nhưng khi đi vay vốn ngân hàng thì đều không tiếp cận được, mất rất nhiều thời gian, cơ hội. Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Công ty Cổ phần công nghiệp Quang Trung, kiến nghị: “Nhà nước có thể tạo ra thị trường ở khâu thiết kế hay làm khuôn mẫu, DN vay tiền ngân hàng và làm ra sản phẩm. Nếu sản phẩm đó đi vào cuộc sống thì Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ. Như thế sẽ không còn tình trạng làm ăn chộp giật”.



Còn về các chính sách ưu đãi, theo đại diện các DN nếu ưu đãi về thuế GTGT khó, còn rất nhiều chính sách có thể hỗ trợ được về lao động, thuê đất… nhưng hiện tại chưa phát huy được hiệu quả… vì vậy, các DN đề nghị cần có chính sách xem xét hỗ trợ các DN cơ khí làm sao ngành cơ khí có thị trường, thì ngành mới phát triển được.



Như vậy, nếu ngành cơ khí trong nước không có những cải thiện tích cực thì bài học sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam (2001-2010) khi nhiều chỉ tiêu đề ra không đạt hoặc thấp hơn nhiều so với kế hoạch sẽ vẫn tiếp tục đeo bám.



Điều này đồng nghĩa với mục tiêu năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21% và năm 2035 chiếm trên 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2035 đáp ứng trên 60% vẫn chỉ là mục tiêu phát triển “trên giấy”.



Lê Thúy










Theo stockbiz.vn