-
11-05-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Chống chuyển giá: Cần hơn một “đội đặc nhiệm”!
Việc Bộ Tài chính vừa quyết định thành lập lực lượng chống chuyển giá nhằm ngăn chặn tình trạng các DN FDI thực hiện chuyển giá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, động thái trên đã đủ mạnh?
Bộ Tài chính vừa quyết định thành lập lực lượng chống chuyển giá nhằm ngăn chặn tình trạng các DN FDI thực hiện chuyển giá phổ biến hiện nay. Đây được xem là một động thái quan trọng, cơ bản, nhưng dư luận cho rằng để giải quyết triệt để những bất cập, lỗ hổng tồn tại đã tạo ra vấn nạn chuyển giá tại các DN FDI, ngoài việc thành lập “đội đặc nhiệm” như trên còn cần sự vào cuộc quyết liệt của cả một hệ thống quản lý, của các bộ, ngành.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh – Chuyên viên kiểm toán KPMG, một trong những cơ sở để đưa ra nghi vấn chuyển giá trong DN FDI là: Số DN FDI thường xuyên báo cáo lỗ trong nhiều năm chiếm tỷ lệ lớn; có DN lỗ mất vốn chủ sở hữu và mặc dù lỗ thường xuyên nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; Tỷ suất lợi nhuận (đối với những DN có lãi) trên doanh thu không đáng kể; Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách quốc gia của khu vực FDI thấp (chỉ dao động 9 – 10% tổng thu ngân sách của quốc gia).
Nghi vấn nhiều, “sờ gáy” chẳng bao nhiêu
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. TP HCM có tới gần 60% trong số 3.500 DN có vốn FDI nhiều năm qua thường xuyên kê khai lỗ. Tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện tình trạng tương tự với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục. Bình Dương cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ liên tiếp (Năm 2007, số DN khai báo lỗ chiếm tỷ lệ 53%, năm 2008 là 58%, năm 2009 là 55%, năm 2010 là 44%, năm 2011 là 48% và năm 2014 là 45%)… Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc thu nộp ngân sách tại khu chế xuất và DN chế xuất tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện có 57% trong tổng số 399 DN chế xuất kiểm tra không phát sinh doanh thu hoặc hạch toán lỗ, nhiều DN báo lỗ liên tục nhiều năm. Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy nhiều DN mặc dù kê khai lỗ lớn trong nhiều năm nhưng hằng năm, tốc độ tăng doanh thu vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng. Như vậy, đây là biểu hiện của việc chuyển giá, nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các DN FDI nên cơ quan thuế đành “bó tay” không thể xử lý…
Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá, trước tiên, phải nói đến Cty Coca – Cola VN. Trong gần 20 năm đầu tư, kinh doanh tại VN, Coca – Cola liên tục báo lỗ. Do lỗ liên tục như vậy nên Coca – Cola VN không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20 – 30%/năm. Và điều đáng ngạc nhiên hơn là tuy lỗ lớn như vậy nhưng DN này đang có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại VN.
Một Cty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng, là Cty PepsiCo VN. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm qua PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi, nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo VN vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD)…
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy điều bất thường khi nhiều DN FDI có “tiếng tăm” khai lỗ lớn song họ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. như Cty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam – 100% vốn Nhật Bản có trụ sở tại KCN Thăng Long có số lỗ lũy kế 3 năm lên tới hơn 777 tỷ đồng; Cty TNHH điện tử Meiko VN – một trong 10 dự án FDI lớn nhất năm 2006 và là dự án sản xuất điện tử có vốn FDI lớn nhất vào VN tại thời điểm cấp phép – có số lỗ 3 năm là hơn 300 tỷ đồng; Cty TNHH Saigon Stec (Bình Dương) với mức lỗ lũy kế 3 năm trên 218 tỷ đồng. Ngoài các công ty trên, còn một loạt các “tên tuổi” khác cũng nằm trong nghi án chuyển giá, như Adidas, Big C, Keangnam Vina…
Cách nào bịt “lỗ hổng”?
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính vừa quyết định thành lập một lực lượng chuyên trách về chống chuyển giá. Theo quyết định của Bộ Tài chính, lực lượng chống chuyển giá “chuyên nghiệp” thuộc về Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc Vụ Thanh tra của Tổng cục Thuế. Nhiệm vụ của lực lượng này là lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng, xây dựng quy trình thanh tra, thu thập xử lý thông tin. Lực lượng chuyên trách sẽ được thành lập ở cơ quan Tổng cục Thuế và các địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai…
Động thái của Bộ Tài chính được dư luận đánh giá tuy muộn (lẽ ra việc này phải có sớm từ vài năm, thậm chí là mười, mười lăm năm trước), nhưng theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai “thà muộn còn hơn không”, nhất là khi hành vi chuyển giá, gian lận thuế trong khối DN FDI vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng lên và ngày càng phức tạp và tinh vi…
Đành là “muộn còn hơn không”, nhưng điều cốt lõi đặt ra là với lực lượng chống chuyển giá mới thành lập của Bộ Tài chính, liệu những bất cập, lỗ hổng tồn tại đã tạo ra vấn nạn chuyển giá tại các DN FDI liệu có được xử lý triệt để ?
Theo các chuyên gia, để chống chuyển giá hiệu quả thì đòi hỏi cần bổ sung Luật Quản lý Thuế, cho phép áp dụng phương pháp xác định giá trước, nghĩa là DN nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận phương pháp xác định giá với giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định.
Cơ chế thoả thuận này đang được khoảng hơn 40 quốc gia trên thế giới áp dụng và được đánh giá là có hiệu quả (gọi là phương thức APA – Advance Pricing Agreement). Hiện nay, VN đang thực hiện thí điểm đối với Samsung và một số DN FDI khác, vì vậy việc thỏa thuận chỉ có thể áp dụng rộng hơn sau khi Luật Quản lý Thuế sửa đổi được ban hành. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn bản quy định về việc quản lý, định giá đối với trường hợp các dự án đầu tư góp vốn bằng tài sản, máy móc thiết bị và một số khoản chi phí đặc biệt khác như chi thuê quản lý nước ngoài, chi sử dụng vốn vay của tổ chức nước ngoài.
Đồng thời, không nên xem chuyển giá như chuyện động trời, và phải chấp nhận thực tế rằng hành động trốn thuế thông qua chuyển giá ở bất kỳ quốc gia nào cũng có. Cách tốt nhất là làm thế nào các bộ có chức năng thu thuế có phản ứng nhanh nhạy hơn, phát hiện kịp thời và bịt những lỗ hổng chính sách để giảm bớt, chứ không bao giờ có thể triệt tiêu hết việc chuyển giá. Không nên vì chống chuyển giá mà kỳ thị các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần phải xem lại ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư cho các DN FDI, xem xét kỹ lưỡng việc khai báo giá trị các tài sản (thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…) đưa vào VN. Rõ ràng, nếu để xảy ra tình trạng DN khai vống giá cao gấp chục lần để có thể hạch toán lỗ thì lỗi là do sự buông lỏng quản lý của chính các cơ quan nhà nước.
“Trước mắt để lực lượng chống chuyển giá của Bộ Tài chính thực thi và hoàn thành nhiệm vụ, chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của VN để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng” – ông Hiếu đề xuất.
Ông Bùi Văn Nam – tổng cục trưởng tổng cục thuế: Lĩnh vực mới, phức tạp
Qua 3 năm hoạt động dưới hình thức Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, Tổng cục Thuế nhận thấy cần có một đơn vị chuyên trách độc lập để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Tài liệu đào tạo, tập huấn; Xây dựng biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; Xây dựng Quy trình thanh tra giá chuyển nhượng; đánh giá, tổng hợp đề xuất về thực hiện Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết… và tổ chức hướng dẫn triển khai công tác thanh tra giá chuyển nhượng thực hiện thống nhất trong toàn ngành để đảm bảo tính chuyên sâu, hiệu quả.
Tuy nhiên, xác định đây là lĩnh vực mới, phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp quản lý, đồng thời, do đặc thù của ngành thuế Việt Nam nên trước mắt Tổng cục Thuế trình Bộ Tài chính quyết định thành lập mô hình Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế và Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại 4 Cục Thuế tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về việc thanh tra xác định giá chuyển nhượng; hỗ trợ, xử lý các vướng mắc có liên quan đến thanh tra giá chuyển nhượng trong toàn ngành.
Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài, bộ kế hoạch và đầu tư: Thiếu bộ cơ sở dữ liệu về nguyên liệu
Không chỉ riêng ở VN, chuyển giá là vấn đề đau đầu của nhiều nước trên thế giới. Từ nhiều năm trước Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan bàn cách chống chuyển giá. Tuy nhiên, điều tra chống chuyển giá không hề đơn giản khi mà các DN đã có hành vi gian lận thì rất tinh vi. Vì vậy cho đến nay rất ít DN FDI bị kết luận là có chuyển giá. Hầu hết mới chỉ được đưa vào diện nghi ngờ có hoạt động chuyển giá. Cái khó là chúng ta không có bộ cơ sở dữ liệu về nguyên liệu để nói DN trốn thuế.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – Đoàn ĐB TP HCM: Chống chuyển giá vẫn rất khó khăn
Để truy tìm yếu tố bất hợp pháp trong hoạt động chuyển giá không hề đơn giản. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là chuyển giá nếu hiểu theo nghĩa nào đó nó chỉ là một thủ tục tài chính để các Cty đa quốc gia có thể điều tiết giảm phần đóng góp thuế thu nhập một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt đối với những quốc gia có thuế thu nhập còn cao thì thường bị họ điều tiết giá trị từng công đoạn, bộ phần sản phẩm theo hướng giảm lợi nhuận mức thấp nhất có thể. Chúng ta khó xem chuyển giá là hành vi hình sự. Chuyển giá tự thân nó rất khó ghép thành hành vi vi phạm pháp luật mà nó chỉ bị gọi là vi phạm pháp luật ở những tội danh như trốn thuế. Chính vì vậy, cái mà hiện nay Bộ Tài chính đang vướng nhất là tìm ra yếu tố bất hợp pháp trong hoạt động chuyển giá để ngăn chặn. Hiện nay chúng ta đang rà soát để sửa đổi lại các luật như Luật Quản lý Thuế, đặc biệt là quy trình giám sát đối với hoạt động chuyển giá. Bởi vì, tính đến nay, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến khâu hậu kiểm về thuế. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta phải xem lại mức thuế thu nhập DN của VN có tạo vùng trũng để chuyển giá không?
Để chống chuyển giá đối với những sản phẩm phổ biến trên thị trường cũng dễ dàng hơn, chúng ta có thể tìm một giá chấp nhận trên thị trường thế giới về nguyên liệu để xem xét. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng áp dụng được cách điều tra này. Ví dụ Coca-Cola có nguồn nguyên liệu duy nhất cho họ là Cty mẹ cung cấp. Hay một số đơn vị lắp xe hơi được các Cty con cung cấp phụ tùng. Chưa kể những tập đoàn toàn cầu, họ sẽ dễ dàng phân phối lợi nhuận cho nhau để giảm đóng góp thuế.
H.Oanh, N.Linh, B.Tú, Phương Hà
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- Samsung lại “mặc cả”
- Bản tin kinh tế trong ngày 22/01/2016
- HSBC: Tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,3%
- ACV chính thức được giao làm chủ đầu tư Sân bay Long Thành
- Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ giảm mạnh?
- Chênh lệch số liệu thương mại VN - TQ: Buôn lậu, kinh tế ngầm?
- Tập đoàn Dầu khí đạt doanh thu 463.000 tỷ đồng trong 10 tháng
- Giá xăng ở Việt Nam khá cao so với thu nhập bình quân
- Chuyện Viettel xin thôi... thống lĩnh thị trường
- Ngày mai, đoàn Việt Nam lên đường ký hiệp định TPP
Bạn đang tìm kiếm giải pháp vận chuyển và nâng hạ hàng hoá máy móc nặng cho dự án hay công việc của mình tại khu vực Mỹ Phước - Bình Dương? Chúng tôi tự hào giới thiệu dịch vụ cho thuê xe cẩu tại Mỹ...
Dịch vụ cho thuê xe cẩu tại Mỹ...