Gần đây, trên báo chí có nhiều bài viết với những cái tít rất đáng lo cho thép Việt: “Sắt thép Trung Quốc vẫn ồ ạt vào Việt Nam”, “Doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiểu xảo xuất khẩu thép dư thừa vào Việt Nam”... Thực hư thế nào?



Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/10/2015, cả nước nhập khẩu hơn 11,9 triệu tấn sắt thép, trị giá tới 5,99 tỷ USD. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 6,7 triệu tấn sắt thép, trị giá xấp xỉ 3,15 tỷ USD. Các chuyên gia thị trường nhận định: Doanh nghiệp thép Việt tiếp tục đối diện với sắt thép nhập khẩu giá rẻ và sức ép lớn từ nguồn cung thép Trung Quốc dư thừa.



Theo các chuyên gia, hiện năng lực sản xuất thép của Trung Quốc trên 1 tỷ tấn/năm, nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng 700 triệu tấn, buộc phải tìm mọi cách “đẩy” 300 triệu tấn thép dư thừa ra thế giới. Ngoài chuyện dùng nguyên tố Boron, một “tiểu xảo” mới mà doanh nghiệp Trung Quốc “biểu diễn” là đưa nguyên tố Crom vào một số sản phẩm thép để vừa hưởng lợi hoàn thuế xuất khẩu 13% vừa tăng lượng thép xuất khẩu.



Nhớ lại năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu 93,9 triệu tấn thép, riêng thị trường ASEAN “nuốt” tới 64,4 triệu tấn, trong đó Việt Nam 6,6 triệu tấn. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực (tháng 1/2010), các sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc đã gây tổn thương đáng kể cho thị trường thép ASEAN. Do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà máy sản xuất thép ASEAN luôn chỉ đạt công suất dưới 50%.



Trước tình hình đó, cuối tháng 7/2015, Ủy ban Hỗn hợp điều hành ACFTA đã nhóm họp tại Brunei, thống nhất kiến nghị Trung Quốc bãi bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu, loại trừ các “tiểu xảo” đưa Boron, Crom... vào thép. Nhìn rộng hơn, chỉ trong nửa đầu năm 2015 đã có 29 hành động thương mại trên thế giới trực tiếp hay gián tiếp chống lại thép Trung Quốc, trong đó 7 trường hợp từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan...



Còn ở Việt Nam thì sao? Thông tin mới nhất, trước mắt, Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ kết hợp với một số doanh nghiệp khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và có biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tôn màu của Trung Quốc.



Có lẽ đó mới chỉ là ý tưởng “đắp đập nhỏ ngăn lũ”, thực tế có ngăn được không lại là câu chuyện hoàn khác. Vẫn biết, khởi kiện chống bán phá giá hết sức khó khăn, tốn kém chi phí, đặc biệt là thiếu thông tin chuẩn xác về sản phẩm sản xuất ở nước ngoài, song không thể không làm bằng được. Nhiều “đập nhỏ” thành công sẽ tạo nên “đập lớn” hiệu quả.





Trần Phương










Theo stockbiz.vn