Một số thông tư hướng dẫn hoặc dự thảo của các Bộ đang tiếp tục sản sinh các 'giấy phép con' và thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp chưa hết lo lắng. Phải chăng chủ trương thông thoáng, cải thiện môi trường kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vẫn còn 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược'?



Lấy trường hợp dự thảo Thông tư Quy định về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015) đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi, là điển hình mới nhất về mầm móng 'giấy phép con' vẫn chưa thể chấm dứt.



Theo bản dự thảo, nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Kèm theo đó là một loạt quy định rối rắm về thủ tục xin giấy phép, quy trình, điều kiện cấp phép.



Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược



Nhiều người đặt câu hỏi khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015 có chủ trương bãi bỏ 'giấy phép con' thì với bản dự thảo trên, thông qua việc giữ nguyên thủ tục cấp phép nhà thầu xây dựng ngoại thì có làm khó dễ các nhà thầu nước ngoài có năng lực và đi ngược với Luật Đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua.



Không riêng gì trường hợp trên, một số bộ ngành khác cũng đã và đang vướng vào chuyện soạn thảo các dự thảo thông tư hoặc ban hành thông tư chồng chéo nhau, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.



Chẳng hạn, cuối tháng 9/2015, Bộ Công Thương có dự thảo thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.



Giới kinh doanh thực phẩm cho biết dự thảo này chồng chéo với Luật An toàn thực phẩm (ban hành ngày 17/6/2010 và Thông tư ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm).



Hoặc vừa rồi có hai dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in, được cho là can thiệp quá sâu vào kinh doanh, hợp tác của doanh nghiệp khi quy định các cơ sở in hợp tác gia công phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in chấp thuận bằng văn bản.



Ngoài ra, có thể kể một số thông tư khác cũng gây tranh cãi vì gây khó cho doanh nghiệp như: Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường; dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Liên Bộ Tài chính – Công an xây dựng…



Bộ Kế hoạch-Đầu tư vừa qua đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về việc một số Bộ đã và đang tiếp tục soạn thảo, ban hành Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh, làm tái diễn nạn 'giấy phép con'.



Trước đó, hồi tháng 6/2015, Bộ Kế hoạch-Đầu tư có kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 3.299 các loại điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, nhất là ở các Bộ: Tài chính, Công Thương và Y tế.



Bên cạnh các thông tư quá cứng nhắc làm khó doanh nghiệp, theo số liệu của Bộ Tư pháp, cả nước có trên 1 triệu văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có đến vài ngàn văn bản vi phạm pháp luật.



Chính sự giẫm chân nhau rắc rối này, nhất là thủ tục đầu tư, những quy định mà doanh nghiệp được phép và không được phép làm ở mỗi địa phương mỗi khác làm các doanh nghiệp không biết đường nào mà lần.



Thông tư đẻ ra 'giấy phép con'



Theo Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, luật ở Việt Nam không nhiều nhưng thông tư, nghị định thì vô số kể. Điển hình Luật xây dựng có tới 23 nghị định và 55 thông tư. Tổng số trang văn bản ở nghị định là 506 trang, của thông tư lên tới 660 trang.



Theo Ts Nguyễn Đình Cung, vì các thông tư được xây dựng dựa trên ý chí của một Bộ hoặc một nhóm người nên với cách hướng dẫn như vậy, ý chí của Quốc hội sau lại thành ý chí vài nhóm công chức, tuân thủ rất khó, đúng chỗ này sai chỗ khác.



Nhu cầu đơn giản hóa các thủ tục luôn là điều mong mỏi của các doanh nghiệp. Nhìn vào một số dự thảo thông tư hoặc các thông tư đang ban hành với nguy cơ tái diễn 'giấy phép con', nhiều ý kiến băn khoăn tại sao cơ quan quản lý không sớm nới lỏng khi Việt Nam tham gia vào TPP mà lại tìm cách 'bắt bí' doanh nghiệp.



Vấn đề đặt ra là nguyên nhân vì sao một số Bộ vẫn quyết 'ôm' chuyện cấp phép hoặc đặt điều kiện kinh doanh thông qua các thông tư. Liệu đó có phải tinh thần trách nhiệm để quản lý nhà nước tốt hơn hay còn lý do gì khác?



Trong khi, thực tế từ phía doanh nghiệp cho thấy chính các 'giấy phép con' và những quy định rườm rà của các thông tư khiến họ buộc phải nghĩ đến chuyện 'bôi trơn' với cơ quan quản lý, cứ đưa tiền trước thì thủ tục sẽ đơn giản ngay.



Nhìn trực diện thực trạng này, nguy cơ gây hại đến hiệu lực một số nội dung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và làm suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 'Căn bệnh' thông tư sẽ khó chấm dứt nếu không có liều thuốc đặc trị



Thế Vinh










Theo stockbiz.vn