Không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%/năm cho giai đoạn 2011-2015, Chính phủ lại một lần nữa đặt ra ngưỡng mục tiêu này cho 5 năm tới. Các chuyên gia kinh tế có cùng quan điểm rằng mục tiêu này sẽ nằm trong tầm tay nhưng cái chính là phải gắn với cải cách.



Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 trình bày trước Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm tới từ 6,5-7%/năm.



Đây cũng chính là ngưỡng mục tiêu đã đặt ra cho giai đoạn 2011-2015, nhưng Thủ tướng cho biết chỉ đạt khoảng 5,88%/năm, tức chưa bằng ngưỡng dưới của mục tiêu, do tác động từ nhiều yếu tố bất lợi ở cả trong và ngoài nước. Tăng trưởng GDP là 1 trong số 9 mục tiêu không đạt của Chính phủ trong giai đoạn 5 năm qua.



Vậy liệu kế hoạch đặt ra cho 5 năm tới có quá lạc quan?



Trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành, một số chuyên gia kinh tế đều nhận định mục tiêu này sẽ đạt được.



Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, “Mục tiêu này chắc chắn đạt được…Nó hoàn toàn phù hợp với năng lực hiện tại cũng như đón trước những cơ hội mới.”



Ông đưa ra giải thích thêm về những cơ hội mới này của Việt Nam.



Thứ nhất, những năm vừa qua Chính phủ đang loay hoay định vị lại những hướng phát triển, và đã có một số định vị tốt.



Thứ hai, vấn đề chuyển dịch cơ cấu như xuất khẩu và đầu tư tư nhân đã được cải thiện nhờ môi trường đầu tư tốt hơn.



Thứ ba, các hiệp định thương mại mới sẽ mang lại sự thúc đẩy mới cho xuất khẩu và sản xuất. Cuối cùng, trong nhiệm kỳ sắp tới, các nhà lãnh đạo mới phải phấn đấu hơn, nghiêm chỉnh hơn để ghi điểm nên cũng sẽ tạo ra động lực mới.



Với quan điểm đó, ông Phong cho rằng mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% trong khoảng 5 năm là “bình thường”, và ngay cả mục tiêu 6,7% đặt ra cho năm 2016 cũng đã được một tổ chức quốc tế dự báo.







Theo một cách lập luận khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng “Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng”.



“Nếu như có cải cách một cách có hiệu quả, mạnh mẽ, đồng bộ và cơ bản, thì Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Cái đó ở trong tầm tay,” ông nói.



Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng tỏ vẻ hoài nghi, cho rằng “việc có cải cách hay không và cải cách có hiệu quả hay không, đấy là câu hỏi lớn mà mỗi người Việt Nam hiện nay đang đặt ra. Từ rất lâu rồi người dân mong đợi cải cách, nhưng cho đến nay tiến bộ đạt được rất ít.”



Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho 5 năm tới “về cơ bản nhiều khả năng đạt được, trừ khi có biến cố bất thường xảy ra.”



Theo ông Lực, có 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Một là, theo xu thế hội nhập, xuất khẩu trong 5 năm tới sẽ tăng rất cao, vào khoảng 15-20%/năm. Hai là Chính phủ vẫn duy trì mức đầu tư toàn xã hội từ 30-31% GDP. Ba là hội nhập tạo ra áp lực phải cải cách để đổi mới mạnh mẽ hơn ở trong nước, vì thế năng suất lao động hy vọng cũng sẽ tốt lên, khi đó sẽ giúp giảm bớt những cái lãng phí, kém hiệu quả, đóng góp cho chất lượng tăng trưởng của giai đoạn tới.



Đâu là thách thức?



Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận kế hoạch tăng trưởng cho năm tới sẽ gặp không ít thách thức, chủ yếu liên quan đến vấn đề thể chế.



Chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định khó khăn lớn nhất của Việt Nam là thắng được các nhóm lợi ích, chọn được người tài, và đặc biệt là khuyến khích được vai trò của đầu tư tư nhân trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế.



Ông cho rằng hiện nay mới thừa nhận đầu tư tư nhân là quan trọng, mà chưa thừa nhận nó là động lực chính về cả mặt nhận thức, luật pháp và thực tiễn.



Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, việc Chính phủ không đạt mục tiêu trong giai đoạn trước là do cải cách còn khiêm tốn, cho nên đây vẫn là một thách thức.



Ông Doanh giải thích rằng trong cải cải cách này có cả tái cơ cấu và cũng có cả cải cách thể chế, tức bộ máy hoạt động, trong đó làm sao cho trách nhiệm giải trình được rõ ràng. Ông cho rằng người dùng tiền của dân phải giải trình dùng tiền như thế nào, hiệu quả ra sao, ngoài ra còn phải khắc phục tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, tức vừa là cơ quan ban hành các quy định, vừa có bộ máy làm chủ sở hữu, lại có bộ máy thực hiện.



Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng thừa nhận rằng một trong những khó khăn sắp tới của Việt Nam khi hội nhập sâu rộng là có tận dụng được cơ hội hay không, đặt biệt liên quan đến cải cách thể chế trong nước thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.



Ngoài vấn đề thể chế, ông Lực còn nêu ra một số rủi ro cơ bản khác. Thứ nhất, một số nước mới nổi vẫn đang trên đà tăng trưởng chậm lại, như Trung Quốc, Nga và Brazil, ít nhất trong 1-2 năm tới. Thứ hai, Mỹ có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc sang năm tới, thậm chí 1-2 năm tới có thể tăng đều đều. Khi Mỹ tăng lãi suất sẽ tác động đến dòng vốn di chuyển, chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ. Thứ ba, giá dầu hiện nay vẫn đang ở mức khá thấp, nhưng có thể sẽ quay trở lại lên 60-65 USD/thùng, khiến chi phí sản xuất kinh doanh ở trong nước sẽ bị đội lên.



Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu giai đoạn 2016-2020



Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội tăng 4-5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.



(Trích Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn